NGHỆ AN

Huyện Nam Đàn: Phát triển công nghiệp - đưa kinh tế phát triển bền vững

13:19:21 | 16/2/2016

5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn giai đoạn 2010-2015, huyện đã đạt được thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao, linh hoạt của UBND tỉnh, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua đều đạt kết quả tốt, trong đó tạo đột phá quan trọng nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của huyện chính là thu hút đầu tư vào công nghiệp với 4 cụm công nghiệp, tổng mức đầu tư 3.159,93 tỷ đồng; mức tăng trưởng bình quân đạt 10,05%/năm, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh 2,15%...

Đánh giá về những kết quả được, ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch huyện Nam Đàn cho rằng: Yếu tố quan trọng là Đảng bộ, UBND huyện đã xác định đúng hướng đi, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế mà Đảng bộ đề ra. Trong đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là huyện đã tăng cường công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước; thu hút đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào địa bàn huyện; thực hiện cơ chế một cửa liên thông, các thủ tục hồ sơ được niêm yết công khai; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tạo quỹ đất sạch và đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Với những chủ trương đó, cả hệ thống chính trị từ xã đến huyện vào cuộc quyết liệt, tạo bước đột phá từ khâu thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp.

Đóng góp lớn từ lĩnh vực công nghiệp

Với việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/HU ngày 20/05/2011 về thu hút đầu tư và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đàn giai đoạn 2011-2015 có tính đến 2020; Nghị quyết số 24-NQ/HU ngày 25/5/2012 về phát triển CN-TTCN, xây dựng làng nghề huyện Nam Đàn giai đoạn 2012-2020 vì vậy trên địa bàn đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 3.195,93 tỷ đồng. Tiến hành quy hoạch 4 CCN: CCN Nam Thái (20ha); CCN Vân Diên (10ha); CCN Nam Giang (36,5ha); CCN công nghệ cao xã Nam Giang (25,6ha). Với nhiều nhà đầu tư lớn như: Công ty TNHH HaiVina Kim Liên với dự án nhà máy may xuất khẩu; Công ty Cổ phần Nam Đàn Hanosimex với dự án cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex và Dự án xây dựng tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao.


Ngoài ra, huyện đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa bàn như bàn giao và đưa vào sử dụng giai đoạn I Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện để đào tạo công nhân lành nghề cho các nhà máy may, nhà máy dệt; hệ thống giao thống được xây dựng đồng bộ từ quốc lộ đến đường huyện,… cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ phát triển công nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.


Tổ chức chỉ đạo công tác và kêu gọi đầu tư dưới nhiều hình thức: Chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để giới thiệu quảng bá các cụm công nghiệp; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành cấp tỉnh nhằm tiếp cận các doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư…


Nỗ lực phấn đấu

Xác định phát triển công nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế huyện Nam Đàn phát triển bền vững, trong giai đoạn tới ngành công nghiệp Nam Đàn đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, tạo sự bứt phá như: Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành trên các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại đến năm 2020; phối hợp các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đến năm 2020 cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các CCN; đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành; tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, đào tạo nguồn nhân lực lao động gắn với nhu cầu của doanh nghiệp...


Một giai đoạn mới với nhiều thời cơ, vận hội và những thách thức mới đang đến với huyện Nam Đàn, tin tưởng rằng với sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huyện Nam Đàn sẽ đạt thêm nhiều thành công mới, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Nam Đàn là địa phương có số lượng di tích lịch sử văn hoá nhiều nhất tỉnh Nghệ An (149 di tích, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh). Trong đó, nhiều di tích lịch sử có giá trị và lợi thế để khai thác phát triển du lịch như: Cụm Di tích Vua Mai, Khu Di tích Kim Liên, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ... Bên cạnh các di sản văn hoá vật thể, Nam Đàn còn là một trong những cái nôi hát ví phường vải. Hàng năm trên địa bàn huyện có rất nhiều lễ hội, trong đó có 2 lễ hội lớn là Lễ hội Vua Mai và Lễ hội Làng Sen. Về văn hoá ẩm thực, Nam Đàn nổi tiếng với các đặc sản: tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá mòi sông Lam, cá rô Bàu Nón... Ngoài ra, Nam Đàn còn có hơn 7.500 ha rừng được quy hoạch thành rừng đặc dụng gắn liền với các di tích lịch sử tạo nên cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Hiện Nam Đàn đã giải phóng mặt bằng sạch 11 ha để xây dựng khu văn hóa ẩm thực các dân tộc Nghệ An… đang mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới địa phương.

Duy Bình