LAI CHÂU

Huyện Tân Uyên: Phát huy thế mạnh nông lâm nghiệp

10:24:56 | 18/12/2017


Nằm trên trục phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm phía Nam của tỉnh Lai Châu, Tân Uyên có lợi thế cho phát triển nông nghiệp hàng hóa như: có các tuyến đường huyết mạch kết nối, quỹ đất nông nghiệp rộng lớn, nhân lực dồi dào... Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tân Uyên đã tập trung triển khai các chương trình nhằm cơ cấu lại ngành nông lâm nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch và xác định lại những cây trồng, vật nuôi chủ lực, huyện đã đưa ra nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Cụ thể, Tân Uyên đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như 135 xây dựng nông thôn mới... để xây mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống, đầu tư các đường giao thông nông thôn. Nhằm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả, huyện tích cực phối hợp với các trung tâm, hội đồng khoa học của tỉnh, huyện, chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện triển khai các chương trình, đề án chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Huyện cũng có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang giống cây mới, sử dụng hợp lý các vật tư nông nghiệp.



Hiện nay, huyện đã xây dựng được vùng lúa chất lượng cao quy mô 690 ha, sản lượng 3.000 tấn với các giống đặc sản như: Khẩu Ký, Séng Cù, Cò Giàng; vùng thâm canh 300 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap, vùng trồng cây ăn quả 150 ha với các loại quả có giá trị như bơ, nhãn, vùng sản xuất rau an toàn 5 ha, vùng trồng cây công nghiệp 1.600 ha gồm quế, sơn tra...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đang triển khai chương trình hỗ trợ cho 172 hộ gia đình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đối với hộ dân khác, huyện cũng có chương trình hỗ trợ như: phát triển chăn nuôi đại gia súc ở các xã Nậm Cần, Nậm Sỏ, Pắc Ta, chăn nuôi lợn ở Phúc Khoa, Pắc Ta, phát triển thủy cầm ở Pắc Ta, Thân Thuộc, Mường Khoa, Nậm Cần, Tà Mít.

Với sự tập trung chỉ đạo và chính sách hỗ trợ, lĩnh vực nông – lâm nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét và đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ trọng nông nghiệp (khu vực I) trong cơ cấu kinh tế có giảm nhưng tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt khá. Quan trọng hơn, tư duy làm nông nghiệp của người dân không còn là làm những việc đơn lẻ mà đã tính đến chuyện liên kết làm ăn quy mô lớn hơn, tập trung hơn, chặt chẽ hơn, hình thành chuỗi sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao.