Quảng Trạch là huyện “cửa ngõ” phía bắc của tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp tỉnh Hà Tĩnh, cách TP.Đồng Hới 45 km. Những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch |
Nỗ lực vượt khó, từng bước phát triển
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Trạch đã gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Ba Đồn khiến nguồn lực đầu tư, phát triển của huyện bị thu hẹp đáng kể; nguồn thu ngân sách giảm sút; quy mô kinh tế thay đổi… Đặc biệt, sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến Quảng Trạch chịu ảnh hưởng nặng nề; các đợt thiên tai hạn hán, bão lũ liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và chính quyền huyện đã nêu cao quyết tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất; động viên, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; ổn định tình hình an ninh trật tự. Đồng thời, quán triệt thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội trong 5 năm qua cơ bản ổn định và có bước phát triển đáng kể.
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,33%/năm; chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 9/17 xã đạt chuẩn NTM, tăng 5 xã so với đầu nhiệm kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hằng năm đạt trên 8,5%; chiếm tỷ trọng 34,85% giá trị sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Các dự án, nhà máy tại Khu Kinh tế Hòn La được duy trì hoạt động hiệu quả, dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch được tái khởi động…
Ngành dịch vụ có giá trị sản xuất tăng bình quân 16,56%/năm. Lĩnh vực du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã xây dựng được một số tuyến, điểm du lịch; loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đi vào khai thác có hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư ngày càng hoàn thiện, huy động có hiệu quả nguồn nội lực và vốn của Trung ương, của tỉnh. Trung tâm huyện lỵ đã và đang được xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển do ngân sách huyện bố trí ước đạt gần 1.000 tỷ đồng với gần 300 công trình, dự án khởi công mới.
Thu ngân sách nhà nước liên tục tăng trưởng, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện trong 5 năm ước thực hiện được 663 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 11 - 13%/năm. Tình hình an ninh chính trị ổn định và giữ vững; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện sẽ tiếp tục tạo chuyển biến mới trong phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tập trung vào 3 lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, du lịch gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời, chú trọng huy động tối đa các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Điểm đến đầy tiềm năng
Huyện Quảng Trạch có diện tích tự nhiên 447,9 km2, dân số 97 nghìn người; phía đông giáp biển Đông với bờ biển dài 24,4 km (có 5 xã giáp biển: Quảng Đông; Quảng Phú; Cảnh Dương; Quảng Hưng; Quảng Xuân). Với vùng biển rộng, có nhiều cửa sông, lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của Quảng Trạch rất phát triển, với sản lượng thủy sản hàng năm cao nhất tỉnh.
Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua, như: QL 1A; QL 12A nối với các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa dẫn đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo; có các tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Gianh và sông Roòn gắn với cảng biển sông Gianh; có cảng biển nước sâu Hòn La gắn với Khu kinh tế Hòn La… Vị trí, điều kiện giao thông thuận lợi, việc giao thương hàng hóa, đi lại là lợi thế quan trọng của Quảng Trạch trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Quảng Trạch còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng. Ngoài ra, huyện đã quy hoạch được một số điểm du lịch trọng điểm như: thắng cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến, cụm di tích Hoành Sơn Quan, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, khu mộ Đại tướng, làng Bích hoạ Cảnh Dương... Đây là tiềm năng để huyện quảng bá, thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch
Trong giai đoạn tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các ngành kinh tế nhằm phát huy thế mạnh. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư vào các dự án như: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông sản xuất khẩu; thu hút các dự án sản xuất thủy tinh cao cấp; khu sản xuất thiết bị điện dân dụng, may mặc... gắn kết liên hoàn với Khu công nghiệp cảng biển Hòn La. Đặc biệt, khuyến khích đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản nhằm tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị thủy sản của địa phương.
Với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch phía bắc tỉnh Quảng Bình, huyện sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển. Trong đó, kêu gọi đầu tư Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Quảng Trạch có diện tích 370 ha tại các xã: Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Xuân và Quảng Hưng với các hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao, tỷ suất đầu tư là 30 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, đề xuất những dự án mới theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Hiện nay, huyện đang triển khai Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến (Quảng Đông), khu nghỉ dưỡng cao cấp Quảng Xuân.
Để góp phần thực hiện những mục tiêu trên, ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Huyện sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đã được tỉnh ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương lân cận để tìm kiếm các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại… Qua đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã của địa phương.
“Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi. Tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế cả về số lượng và chất lượng, nhất là kinh tế tư nhân để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa Quảng Trạch phát triển nhanh và bền vững” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Đạt khẳng định.
Nguồn: Vietnam Business Forum