Huyện Minh Hóa được tái lập vào ngày 1/7/1990 theo Quyết định số 190 QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách huyện Tuyên Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Sau 30 năm tái lập, Minh Hóa hôm nay đã có những bước tiến quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định quốc phòng-an ninh; từng bước nâng cao đời sống nhân dân…
Khởi sắc ở huyện miền núi
Những ngày đầu mới tái lập, Minh Hóa gần như phải xây dựng từ đầu trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa đã không ngừng phấn đấu, kết hợp thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, kinh tế huyện có bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/ năm; thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng dần qua hàng năm, tính riêng năm 2019 đạt 34.071 triệu đồng; thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm (bình quân giảm từ 6-8%/năm), đến cuối năm 2019 còn 18,35%; 100% các xã đã có điện lưới, đường ô tô đến trung tâm; quốc phòng -an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Với những thành tựu đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa. Đây là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên trong chặng đường mới.
Trong giai đoạn mới, huyện Minh Hóa sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kêu gọi đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Về phát triển kinh tế, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bám sát thực hiện 2 chương trình trọng tâm về phát triển trồng rừng kinh tế và chăn nuôi. UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường; khuyến khích các mô hình chăn nuôi tập trung; chú trọng trồng rừng gỗ lớn, nhất là cây cây keo lai, cây bản địa (cây trám, cây dổi, cây lát…) và cây dược liệu.
Đồng thời, triển khai thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được phê duyệt tại xã Yên Hóa, xã Hồng Hóa và các làng nghề dọc theo QL 12A, đường Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư vào nghiên cứu, hợp tác phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng.
Riêng lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, hiện nay, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đã được tỉnh chấp thuận và triển khai khảo sát để đầu tư Dự án nhà máy sản xuất vôi bột chất lượng cao tại xã Minh Hóa và đang tiến hành các thủ tục cấp phép đầu tư. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh và giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong khu vực.
Nâng tầm thương hiệu du lịch Minh Hóa
Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Minh Hóa là chiến khu kháng chiến, trạm trung chuyển, huyết mạch giao thông quan trọng giữa hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam. Các di tích, địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử, như: Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cổng Trời - Mụ Dạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, đèo Đá Đẽo, ngầm Rinh, Khe Ve, Đình Kim Bảng...
Ngoài ra, Minh Hóa có núi rừng hùng vĩ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: hang động Tú Làn, Thác Mơ, Nước Rục, Thác Bụt - Giếng Tiên và hệ thống hang động ở các xã Thượng Hóa, Hóa Tiến, Hóa Thanh, Hóa Sơn... là những tiềm năng phát triển du lịch. Các hang động, sông suối còn hoang sơ, môi trường trong sạch và gần kề Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái với quy mô lớn.
Đặc biệt, năm 2016, đoàn làm phim Legendary Pictures (Hollywood) đã thực hiện một số cảnh quay của bộ phim nổi tiếng “Kong:skull island” tại hồ nước Yên Phú (xã Trung Hóa) và khu vực sông suối, hang Chuột (xã Tân Hóa), được lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước. Nhờ đó, rất nhiều du khách, nhà thám hiểm đã quan tâm, tìm hiểu về cảnh quan và văn hóa nơi đây, trở thành những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Quảng Bình.
Để phát huy những lợi thế kể trên, huyện Minh Hóa đã xác định mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó huy động các nguồn lực đầu tư mang tính hiệu quả, bền vững. Đồng thời, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, hội nhập với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa gắn với lợi ích cộng đồng dân cư bản địa, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái…
Huyện chú trọng việc quảng bá, xúc tiến để thu hút nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, tăng cường liên kết, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 4 dự án được đưa vào khai thác, gồm: tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn thuộc địa bàn xã Tân Hóa, do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) đầu tư và khai thác; tuyến du lịch khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - Hang Rục Mòn, thuộc xã Hóa Sơn, do Công ty TNHH TM&DV Đất Xanh đầu tư và khai thác; Khu du lịch sinh thái Thác Bụt, Giếng Tiên thuộc địa bàn xã Yên Hóa; Khu du lịch Thác Mơ thuộc địa bàn xã Hóa Hợp và Hóa Tiến...
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bắc Việt chia sẻ: Để tạo sức hút đầu tư, các cấp chính quyền huyện sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đề xuất các dự án đầu tư. Trong đó, chủ động kiến nghị với UBND tỉnh và các sở ngành có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đảm bảo an ninh trật tự...
“Chúng tôi luôn xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp, dịch vụ, du lịch của địa phương. Sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ giúp huyện giảm áp lực về vốn, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia, giúp nâng cao thu nhập cho người dân; tạo đột phá để hình ảnh và thương hiệu du lịch của huyện ngày càng vươn xa...”, ông Nguyễn Bắc Việt khẳng định.
Nguồn: Vietnam Business Forum