HÀ NAM

Hà Nam: Tiếp tục bứt phá tạo năng lượng lan tỏa

08:56:43 | 24/8/2020

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Hà Nam đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Hà Thành thực hiện.

Ông có thể cho biết đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra và tiến độ giải ngân đầu tư công của tỉnh Hà Nam trong năm 2020?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 đều không đạt theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra; mức tăng trưởng thấp, nhất là thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, doanh thu du lịch...

Trước tình hình đó, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, đột phá như:

- Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

- Tập trung thực hiện 05 Nghị quyết (NQ 04, 05, 06, 07, 08) chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu phục vụ đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện và giải ngân vốn các dự án đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020. Sau khi có Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Ban chỉ đạo bám sát các dự án lớn, các dự án đang gặp khó khăn vướng mắc để trực tiếp giải quyết, thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, thực hiện điều chuyển vốn đối với những dự án đến ngày 30/9/2020 giải ngân chưa đạt 60% kế hoạch vốn. Do vậy, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Hà Nam đứng trong top 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao toàn quốc.

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR được tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Theo kết quả công bố các chỉ số PCI, PAR INDEX VÀ PAPI của các bộ, ngành Trung ương năm 2019, Chỉ số PCI của Hà Nam đạt 65,07 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm điều hành khá của cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2018); Chỉ số PAR INDEX của tỉnh đạt 79,91 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI tỉnh đạt 45,46 điểm, đứng ở vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 29 bậc so với năm 2018). Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện và nâng cao các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX trong năm 2020 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

1- Công tác chỉ đạo điều hành: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh về CCHC tỉnh Hà Nam theo hướng xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ. Tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quản trị và hành chính công tạo chuyển biến rõ rệt trong năm 2020 và các năm tiếp theo về Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh (điểm số và thứ hạng); xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, tiêu chí thành phần và điểm số, thứ hạng các chỉ số nêu trên. Hàng năm rà soát kết quả công bố các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh và kết quả chỉ số CCHC của cơ quan, địa phương, đề ra giải pháp khắc phục ngay những nội dung, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm hoặc điểm số còn thấp so với điểm chuẩn.

2- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức: Tuân thủ đầy đủ, đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về tổ chức, bộ máy; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các phòng chuyên môn cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bố trí cán bộ làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp huyện, cấp xã. Cán bộ công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân phải đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, nắm vững chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

3- Đẩy mạnh cải cách TTHC: Tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả 6 nhiệm vụ trong chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC và cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh nhất là lĩnh vực tác động trực tiếp và thường xuyên đến hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC nói chung và nhất là TTHC liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế ... và tăng cường thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC, tạo chuyển biến căn bản trong việc giải quyết TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

4- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, nâng cao tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến và hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh.

Công khai minh bạch các hoạt động hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là các lĩnh vực có liên quan đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan đơn vị, địa phương. Duy trì và nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân để tiếp nhận và nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân. Xử lý triệt để tình trạng chồng chéo, chấp hành nghiêm yêu cầu thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần trong năm đối với doanh nghiệp theo đúng Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

5- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính và dịch vụ công: Các cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã tập trung nâng cao chất lượng giải quyết công việc, TTHC đối với tổ chức và cá nhân đảm bảo tỷ lệ đúng hẹn 100%, trường hợp trễ hẹn do lỗi của cơ quan hành chính phải xin lỗi bằng văn bản.
Tăng cường tuyên truyền chính sách BHYT để góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện; cải thiện chất lượng giáo dục; tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng căn bản đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Để phát huy vai trò là tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, kết nối khu vực Nam đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phát huy hiệu quả hợp tác liên kết vùng, Hà Nam cần tập trung đột phá, ưu tiên phát triển cụ thể các ngành kinh tế nào, thưa ông?

Để phát huy thế mạnh là tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, kết nối khu vực Nam đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phát huy hiệu quả hợp tác liên kết vùng, Hà Nam cần tập trung đột phá, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ:

- Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới bền vững.

- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao tạo động lực tăng trưởng nhanh, bền vững.

- Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, thương mại hiện đại, dịch vụ logistic và du lịch, tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum