Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Hà Nam hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, sản xuất xi măng. Nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến, Công ty đã làm gia tăng giá trị khoáng sản, khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng
Công ty cổ phần đầu tư Thành Thắng Group có trụ sở tại Gia Thanh - Gia Viễn - Ninh Bình với lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng. Dưới bàn tay chèo lái của doanh nhân Đỗ Văn Tiến, Công ty đã phát triển vượt bậc, trở thành doanh nghiệp thuộc Top đầu tại Ninh Bình. Không hài lòng với những gì đã đạt được, ông Tiến luôn khao khát mở rộng đầu tư sản xuất, mở rộng mô hình kinh doanh để đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương đất nước.
Đi nhiều nơi, gặp nhiều mô hình sản xuất xi măng và cơ hội đầu tư tại nhiều địa phương nhưng ông Tiến đã chọn Hà Nam – vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển nhờ nguồn tài nguyên cho sản xuất xi măng dồi dào, cùng với đó là cơ chế thông thoáng của các cấp chính quyền tỉnh. Năm 2008, ông Đỗ Văn Tiến quyết định thành lập thêm Công ty TNHH Thành Thắng có trụ sở tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, có ngành nghề chính là khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng thông thường với số vốn điều lệ đăng ký đến thời điểm đó là 250 tỷ đồng. Trong thời gian đó, ông Tiến nắm bắt được tình hình Công ty TNHH Tuấn Mười cùng ngành nghề khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng thông thường có trụ sở ngay bên cạnh hoạt động rất trì trệ và có nguy cơ phá sản. Sẵn có năng lực, kinh nghiệm về khai thác đá, ông Tiến đã đã quyết định đầu tư mua lại Công ty TNHH Tuấn Mười với giá trị là 15 tỷ đồng để tái cấu trúc, đưa vào ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho gần 50 người lao động và nộp thuế vào ngân sách tỉnh Hà Nam. Nếu như năm 2009, 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, Công ty TNHH Tuấn Mười gần như không có số nộp ngân sách nhưng đến khi Thành Thắng mua lại và tổ chức sản xuất kinh doanh thì Công ty THHH Tuấn Mười đã nộp vào ngân sách tỉnh Hà Nam số tiền từ 8 tỷ đồng/năm trở lên.
Đặc biệt, quyết định được cho là táo bạo và đền đáp cho doanh nhân Đỗ Văn Tiến nhiều nhất chính là quyết định mua lại Nhà máy Xi măng Thanh Liêm. Nhà máy Xi măng Thanh Liêm được xây dựng từ năm 2005, bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2009 thì thì đến năm 2011 bị phá sản. Nhiều người lao động rơi vào tình trạng không có việc làm, đời sống bấp bênh, cơ sở sản xuất tan hoang, máy móc thiết bị thì hỏng hóc, hoen gỉ.
Khi quyết định mua lại nhà máy với giá tới 745 tỷ đồng, ông Tiến đã bị nhiều người phê phán vì sự liều lĩnh. Mua lại một nhà máy đang trên đà phá sản trong thời điểm ngành xi măng Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa là điều “điên rồ” thế nhưng ông Tiến vẫn quyết tâm làm. Ông nhìn thấy tiềm năng, cơ hội mà những người khác không thể thấy. Ngay khi tìm hiểu về nhà máy này, trong đầu ông đã hiện lên những ý tưởng để có thể khai thác hiệu quả.
Bắt đầu từ ngày 21/11/2013, sau khi nhận bàn giao Nhà máy Xi măng Thanh Liêm từ Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam thì ông Tiến quyết định phát triển thêm ngành nghề sản xuất xi măng và chuyển tên từ Nhà máy Xi măng Thanh Liêm thành Nhà máy Xi măng Thành Thắng và giao cho Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group tổ chức điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bằng sự quyết tâm cao độ, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Hội đồng quản trị, sự cố gắng nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ công nhân viên, chỉ sau đúng 80 ngày chạy đua với thời gian kể từ ngày bắt đầu nhận bàn giao Nhà máy Xi măng Thanh Liêm cũ (từ một đống đổ nát, hoen gỉ, thiết bị gần như hỏng hoàn toàn do đã dừng sản xuất gần 2 năm), một công ty xi măng mang thương hiệu Thành Thắng đã ra đời với một sức sống mạnh mẽ. Công ty đã cho ra được mẻ sản phẩm Clinker đầu tiên. Đến nay, Dây chuyền 1 - Nhà máy xi măng Thành Thắng đã đi vào hoạt động ổn định và cho ra nhiều loại sản phẩm như: Clinker, xi măng bao PC40, xi măng bao PC30, xi măng rời, ...
Việc Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group đưa dây chuyền 1 - Nhà máy Xi măng Thành Thắng vào hoạt động ngoài việc đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty còn mang một ý nghĩa rất lớn trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đó là:
Giải quyết được tình trạng dự án bỏ hoang, góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 300 lao động với mức thu nhập ổn định, đóng góp vào sự ổn định an ninh, trật tự và phát triển kinh tế khu vực.
Tháng 7/2017, Dây chuyền 2 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, trên diện tích mặt bằng 50 ha, công suất 2,3 triệu tấn/năm đã được Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group khánh thành và đưa vào hoạt động. Dây chuyền được đầu tư đồng bộ từ công đoạn tiếp nhận và đập đá vôi tại mỏ vận chuyển bằng băng tải về nhà máy, đến sản xuất sản phẩm với năng suất lò nung 6.000 tấn clinker/ngày. Dự án sử dụng công nghệ Nhật Bản, bằng lò quay, phương pháp khô với tháp trao đổi nhiệt năm tầng và buồng canxi hóa; thiết bị đồng bộ, tiên tiến, độ tự động hóa cao và hiện đại nhất hiện nay.
Nhà máy xi măng Thành Thắng đang sở hữu những mỏ nguyên liệu đá vôi, đá sét có chất lượng tốt, tính đồng nhất cao được các chuyên gia đánh giá là một trong những vùng nguyên liệu sản xuất xi măng tốt nhất Việt Nam đồng thời có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, đặc biệt là hệ thống cảng trên Sông Đáy với 6 cầu cảng nhập xuất trực tiếp bằng đường băng tải vào Nhà máy rất ưu thế.
Dự án Dây chuyền 3 - Nhà máy xi măng Thành Thắng với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện tại dự án Dây chuyền 3 đang trong quá trình thi công, và đưa vào vận hành trong Quý 4/2019.
Ngày 28/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1895/TTg-CN đồng ý bổ sung 2 dây chuyền Nhà máy xi măng Thành Thắng (dây chuyền số 4 và số 5). Mỗi dây chuyền có công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình vùng ven biển, hải đảo vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Dự án Dây chuyền 4 đang tiến hành thi công cọc khoan nhồi và thời gian dự kiến đưa vào vận hành là trong năm 2021, Dây chuyền số 5 sau năm 2025.
Với chiến lược kinh doanh đúng đắn, sự đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên và sự chèo lái vững vàng của doanh nhân Đỗ Văn Tiến, Công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định thương hiệu vững chắc trên thị trường, trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2019, Công ty có tổng doanh thu 5.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 1.600 tỷ đồng; tạo công việc cho trên 1.500 lao động với thu nhập bình quân của người lao động là 9,3 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách cho tỉnh là 335 tỷ đồng
Trong quá trình sản xuất, Công ty đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường. Với phương châm: “Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường”, sau khi khai thác tại các khu vực hoàn thổ, Công ty đã trồng cây phục hồi môi trường theo phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Ngô San (Vietnam Business Forum)