Tại tỉnh Lâm Đồng, chương trình OCOP đã giúp nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa giá trị, có thương hiệu, góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, sau 3 năm thực hiện, sản phẩm OCOP của địa phương tăng nhanh về số lượng và giá trị. Khi bắt đầu triển khai chương trình, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu xây dựng 20 sản phẩm, giờ đây đã xây dựng được 123 sản phẩm, vượt xa so với mục tiêu ban đầu đề ra. Trong số đó, có 51 sản phẩm được công nhận 3 sao, 65 sản phẩm được công nhận 4 sao, 7 sản phẩm đã trình Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP Trung ương công nhận 5 sao. Thông qua chương trình này, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng như: Mắc-ca Lâm Hà, trà Ôlong, rau hoa Đà Lạt, hồng sấy gió theo công nghệ Nhật bản, atiso, cà phê Catimo và Arabica Cầu Đất, lúa nếp Quýt Đạ Tẻh, lúa Hạt Ngọc Cát Tiên; chuối LaBa Phú Sơn, rượu cần Châu Mạ bản Buôn Go... đã “có sao, có vạch”, không ngừng vươn xa trên thị trường
Cùng với những kết quả ấn tượng, chương trình OCOP tại Lâm Đồng còn để lại nhiều kinh nghiệm quý về công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự sáng tạo của các chủ thể trong quá trình thực hiện. Điển hình như Trang trại Rau thủy canh Trường Phúc tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Đây là một trong những chủ thể có sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Để đạt được chứng nhận này, thời gian qua, chủ trang trại đã chi 2,2 tỷ đồng xây dựng nhà kính và 5,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu và các thiết bị phụ trợ. Bên cạnh đó, trang trại còn áp dụng quy trình chăm sóc, đóng gói rau theo tiêu chuẩn châu Âu. Tham quan quy mô và quy trình vận hành của trang trại, khách có thể cảm nhận được tâm huyết, sự kỳ công mà chủ trang trại đã dành cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Quá trình thực hiện, địa phương ưu tiên phát triển sản phẩm đặc thù, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và chế biến theo hướng chuyên sâu nhằm gia tăng giá trị; đẩy mạnh các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mà trọng tâm là thực hiện phát triển những chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân; thực hiện tốt việc đánh giá xếp hạng sản thẩm theo tiêu chuẩn OCOP; ưu tiên đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm của chương trình OCOP.
Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 168 sản phẩm OCOP, trong đó có 70 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao; 80 sản phẩm đạt 4 sao; 18 sản phẩm đạt 5 sao. Hiện đã có 130 chủ thể đăng ký tham gia chương trình, trong đó, có 26 HTX, 95 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 9 cơ sở và hộ cá thể. Hiệu quả của chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với nhiều hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp; góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn tỉnh Lâm Đồng.
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI