Để ổn định thị trường lao động đang từng bước sôi động trở lại, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Rà soát nhu cầu, tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tăng cường đào tạo cho người lao động, đáp ứng nguồn cung của doanh nghiệp... Qua đó góp phần đảm bảo an sinh và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Đại dịch Covid-19 đã gây nên những tác động nặng nề đến thị trường lao động cả nước nói chung và tại Nghệ An nói riêng. Từ tháng 4/2021 đến nay, Nghệ An có trên 99.945 người từ vùng có dịch trở về địa phương, trong đó có trên 75.858 người trong độ tuổi lao động, chiếm 75,95% số người về quê.
Để giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động, tỉnh đã phối hợp chỉ đạo rà soát, kết nối cung- cầu lao động. Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động quay trở lại làm việc, tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến đến tận thôn, bản, các điểm tập kết người lao động. Bên cạnh đó là các giải pháp kết nối, thông tin, tư vấn, tuyển dụng thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp qua trang Web, Zalo, Fanpage… tạo thuận lợi cho người lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm việc làm. Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và dịch vụ việc làm.
Đối với những lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu tìm việc tại gia đình, tỉnh hỗ trợ vay vốn để tự tạo việc làm riêng, khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua đó có thể giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương sau này.
Bên cạnh đó, xác định đào tạo nghề là một trong những nội dung chủ yếu để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những năm qua, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh Nghệ An cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở GDNN, gồm 09 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 22 trung tâm GDNN, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN. Trong số này có 03 trường cao đẳng chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm.
Năm 2025, Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 210.000 người lao động, bình quân 42.000 người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 15%/năm; Hỗ trợ vay vốn cho hơn 1.000 người đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ cho vay vốn cho khoảng 5.000 người để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong tỉnh…. |
Chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biển tích cực. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo đã được quy hoạch phù hợp với chuyên dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu thị trường sử dụng lao động. Hình thứcc đào tạo cũng được tổ chức linh hoạt, đa dạng, như: Đào tạo chính quy, đào tạo lưu động, đào tạo tại các doanh nghiệp….
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (đạt 104.66% kế hoạch); hơn 18 ngàn lao động trở về quê đã có việc làm, số còn lại tự tạo việc làm tại địa phương trong trang trại, HTX, hộ kinh doanh, hộ gia đình… Tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 66,4% (tăng 1,4%). Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định đạt 80,5% (tăng 2,3% so với năm 2020). Cùng với đó, sự kết nối giữa 3 nhà: Nhà nước- nhà trường và nhà doanh nghiệp chặt chẽ, hiệu quả; nhiều doanh nghiệp không bị thiếu lao động khi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Thời gian tới, Sở sẽ tập trung các giải pháp linh hoạt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và nhu cầu việc làm.
“Thực hiện được mục tiêu về lao động, việc làm trong giai đoạn mới, người lao động có thể yên tâm đảm bảo cuộc sống và đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương. Qua đó thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển”, ông Đoàn Hồng Vũ khẳng định.
Nguồn: Vietnam Business Forum
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI