An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai phù sa màu mỡ. Tỉnh có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, 65% dân số là lao động nông thôn. Nông nghiệp An Giang vừa là “trụ đỡ” của nền kinh tế tỉnh, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh mời gọi và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp |
An Giang tập trung phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái; từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm tạo bước phát triển đột phá. Hiện tỉnh đang ưu tiên phát triển mạnh các nhóm sản phẩm sau:
Lúa: Là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng hàng năm bình quân khoảng 630 nghìn ha, sản lượng khoảng hơn 4 triệu tấn/năm (các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80-90%). Ước kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm đạt khoảng 280 triệu USD.
Thủy sản: Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với diện tích nuôi gần 1.500ha, sản lượng hơn 500 nghìn tấn/năm, trong đó cá tra chiếm trên 80% sản lượng. Ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 270 triệu USD mỗi năm.
Rau màu: Diện tích gieo trồng hàng năm gần 50 ngàn ha, sản lượng thu hoạch khoảng 1 triệu tấn/năm. Ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đông lạnh mỗi năm đạt khoảng 40 triệu USD.
Cây ăn trái: Diện tích hơn 19 nghìn ha, sản lượng khoảng 300 nghìn tấn/năm, chủ yếu là xoài, mít và cây có múi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ký kết biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, chế biến nông sản và du lịch nông nghiệp. Tỉnh đang từng bước khẳng định là điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nói chung cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Hiện toàn tỉnh có 211 hợp tác xã nông nghiệp, 02 liên hiệp hợp tác xã và 992 tổ hợp tác. Ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở hầu hết các ngành hàng chủ lực với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, trong đó có một số tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn liên kết theo chuỗi.
Tính đến nay, đã có 69 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn hơn 28 nghìn tỷ đồng; tỉnh đã xem xét hỗ trợ gần 80 tỷ đồng cho 12 dự án nông nghiệp ƯDCNC.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh An Giang đã linh hoạt thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính,...
Danh mục dự án kêu gọi đầu tư
vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh An Giang
TT |
Nội dung mời gọi đầu tư |
Địa điểm |
Diện tích (ha) |
Hiện trạng sử dụng đất |
1 |
Dự án Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn trái. |
Huyện Tri Tôn |
500 |
Đất sản xuất 2 vụ kém hiệu quả |
2 |
Dự án Chuỗi liên kết sản xuất, nhà máy chế biến bột gạo/nếp, chế biến rau, củ, quả |
Huyện Phú Tân |
5.000 (bao gồm DT vùng trồng và DT xây dựng nhà máy chế biến, kho tạm trữ) |
Huyện đã quy hoạch diện tích các cụm Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp: Tân Trung 45,97ha; Bình Thạnh Đông 28,8ha; Chợ Vàm 11,7ha; Phú Bình 30ha. |
3 |
Dự án Khu phức hợp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao |
HuyệnThoại Sơn |
500 |
Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Hiện đang sản xuất lúa, cây ăn trái và vùng nuôi thủy sản |
4 |
Dự án Chuỗi cung cấp con giống - trại nuôi heo thịt an toàn - lò giết mổ |
Huyện Tri Tôn |
60 |
Đất sản xuất 2 vụ kém hiệu quả |
Ngoài các dự án xúc tiến, mời gọi đầu tư trên, ngành Nông nghiệp An Giang sẽ hỗ trợ, đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tìm hiểu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án do các doanh nghiệp đề xuất.
Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn -Việt và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu năm 2022 đã có chuyến thăm và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu về thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Tỉnh An Giang được Chính phủ giao phát triển 3 sản phẩm chủ lực quốc gia gồm cá tra, lúa gạo và trái cây. Do đó, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh An Giang không chỉ giới thiệu đến đoàn công tác Hàn Quốc về tiềm năng, cơ hội hợp tác mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh mà còn giới thiệu về tiềm năng xuất khẩu, nông, thủy sản; tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP để xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. |
(Vietnam Business Forum)