HÀ NAM

Thanh tra tỉnh Hà Nam: Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

08:00:58 | 10/3/2023

Những năm gần đây, ngành Thanh tra tỉnh Hà Nam đã tham mưu UBND tỉnh quán triệt, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và phối hợp cùng các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư. Trong đó, việc nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giúp các cấp chính quyền đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động và phát triển.


Thanh tra tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023

Hạn chế chồng chéo và trùng lắp

Ông Lê Minh Đức - Chánh Thanh tra tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh), SIPA INDEX (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan nhà nước), PAR INDEX (Chỉ số cải cách hành chính), Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cải thiện Chỉ số chi phí về gia nhập thị trường và Chỉ số chi phí không chính thức.

Để triển khai các nội dung liên quan, Thanh tra tỉnh đã tích cực quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Chương trình hành động của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, ngành đã rà soát, bổ sung và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh.

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh đều ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, bảo đảm việc thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp không quá 01 lần/năm. Các chương trình công tác sau khi được phê duyệt đều được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và thông báo công khai đến các đối tượng được thanh tra cùng đơn vị, tổ chức liên quan. Nội dung thanh tra hành chính đều có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, vấn đề xã hội quan tâm; hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất thanh, kiểm tra 2.087 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có 485 đơn vị trùng lắp; sau khi rà soát, xử lý thực tế thanh tra, kiểm tra chỉ còn 1.813 doanh nghiệp.

Kết quả qua công tác thanh tra đã phát hiện các sự việc thiếu sót, sai sót của một số cơ quan, doanh nghiệp, từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã tổ chức 127 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành đối với 754 tổ chức, cá nhân; đã phát hiện 151 tổ chức, cá nhân sai phạm với tổng số tiền sai phạm 21.218,6 triệu đồng; kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 843 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi 1.305 triệu đồng vào ngân sách nhà nước và kiến nghị xử lý khác 19.055 triệu đồng,…

Thanh tra tỉnh cũng nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hà Nam về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; chỉ đạo các ngành, các cấp kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh ngay từ cơ sở; rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài; trong đó chú trọng trực tiếp đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu, giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, đảm bảo đúng quy định, nhất là việc triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.


Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và Thanh tra tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng

Đẩy mạnh CCHC

Thời gian qua, Thanh tra tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh CCHC thông qua việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Rà soát, bổ sung những nội dung còn thiếu sót trong kế hoạch CCHC, đảm bảo sát với thực tế và tổ chức thực hiện 100% kế hoạch đề ra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính; công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan thanh tra, các phòng liên quan tiếp nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; công khai kết quả thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng,… Hiện tỉnh Hà Nam đang thực hiện sử dụng phần mềm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tránh chồng chéo trong thanh tra tại doanh nghiệp.

Thanh tra tỉnh cũng luôn nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định trong quá trình thực thi công vụ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý cán bộ, công chức có các hành vi tiêu cực. Đặc biệt, Thanh tra tỉnh luôn chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh Hà Nam những năm gần đây có sự cải thiện mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng: Năm 2021 đạt 6,63 điểm tăng 0,41 điểm so với năm 2020 và 1,28 điểm so với năm 2019. Đó là nhờ nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, trong đó Thanh tra tỉnh với việc không ngừng đổi mới hoạt động đã giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn.

Nguồn: Vietnam Business Forum