Những năm gần đây, ngành Hải quan tỉnh Hà Nam đã tập trung đẩy mạnh cải cách, là đơn vị đi đầu trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa hải quan đã có những phát triển vượt bậc, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự phát triển, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Nam xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Chi cục Hải quan Hà Nam trong thực hiện mục tiêu số hóa?
Chi cục Hải quan Hà Nam xác định thực hiện mục tiêu số của ngành là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, phải được triển khai thường xuyên, liên tục, gắn kết quả thực hiện mục tiêu số với kết quả hoạt động của đơn vị. Một số nội dung chủ yếu Chi cục đã và đang triển khai thực hiện như:
Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong đơn vị về tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) ngành; bám sát, triển khai có hiệu quả các giải pháp CĐS của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hà Nam Ninh; cử cán bộ công chức tham gia Ban chỉ đạo CĐS của ngành Hải quan (cấp Cục) để chỉ đạo triển khai công tác CĐS.
Tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về các mục tiêu, giải pháp CĐS của đơn vị nhằm đạt được sự đồng thuận của doanh nghiệp trong quá trình triển khai;
Triển khai đầy đủ, hiệu quả phần mềm thông quan tự động, Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm ứng dụng khác của ngành Hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế.
Kết quả cho thấy: 100% tờ khai phát sinh tại đơn vị được thực hiện bằng phương thức điện tử, trong đó khoảng 63% tờ khai được hệ thống phân luồng xanh với thời gian thông quan từ 01-03 giây; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (5% thuộc hồ sơ đặc biệt như hồ sơ mật, hồ sơ sử dụng khi hệ thống gặp sự cố).
Ngoài ra, 100% hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng container được giám sát bằng seal định vị điện tử; các TTHC mức độ 3, mức độ 4 được hiện bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến ( năm 2022 thực hiện trên 4.000 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, tăng 1,2% so với năm 2021); thực hiện đầy đủ các TTHC có liên quan trên hệ thống một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, nhất là các thủ tục có liên quan đến các bộ, ngành khác.
Hoạt động CĐS đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện mục tiêu được giao của Chi cục năm 2022 và kế hoạch đề ra cho năm 2023 như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2023, để triển khai hiệu quả mục tiêu CĐS của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Chi cục Hải quan Hà Nam sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
Bám sát kế hoạch CĐS của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hà Nam Ninh để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; tham gia đầy đủ các cuộc họp, văn bản đề nghị tham gia ý kiến về CĐS. Tập trung hoàn thành rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ làm cơ sở cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý nội ngành.
Tiếp tục tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ và thúc đẩy CĐS của doanh nghiệp và các bên có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình CĐS của ngành Hải quan. Quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức trong đơn vị về tầm quan trọng của CĐS, sẵn sàng thực hiện có hiệu quả các nội dung CĐS khi triển khai chính thức.
Triển khai đầy đủ, hiệu quả phần mềm thông quan tự động, Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm ứng dụng khác của ngành Hải quan trong thực hiện nhiệm vụ; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, cho phép doanh nghiệp khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.
Để thực hiện thành công Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND ngày 16/08/2021 của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 – 2025, nhất là các chỉ số thành phần liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành như: Chỉ số chi phí thời gian, chi phí không chính thức,… Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Trong Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND ngày 16/08/2021 của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao PCI giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu cụ thể các mục tiêu và giải pháp để đạt được các mục tiêu này. Trên cơ sở định hướng của UBND tỉnh tại Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND, dưới góc độ của cơ quan Hải quan, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nâng cao về nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan đơn vị; đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực phẩm chất, nắm vững các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là các quy định, quy trình, thủ tục giải quyết công việc để vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi trên địa bàn.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, thu hút thêm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về làm thủ tục tại Chi cục, góp phần nâng cao PCI.
Ba là, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật tới cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng năm, dưới sự chủ trì, chỉ đạo của Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Chi cục đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm phổ biến chính sách pháp luật, các quy định mới liên quan đến hoạt động hải quan, xuất nhập khẩu, tạo niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài việc đăng tải công khai các văn bản, quy định mới, Chi cục cũng giao cho từng cán bộ công chức thiết lập các kênh trao đổi thông tin qua email, zalo, duy trì tổ giải quyết vướng mắc 24/7 để sẵn sàng lắng nghe, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc văn hóa văn minh công sở, có thái độ hòa nhã, tận tình, luôn coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác, đồng hành, nỗ lực giảm thời gian, chi phí tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại đơn vị với phương châm “hết việc chứ không hết giờ”. Bản thân mỗi cán bộ công chức, người lao động trong đơn vị cũng luôn xác định nỗ lực cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả hoạt động của cá nhân và đơn vị.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)