Quý I/2023 cả nước có 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP âm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Quảng Nam (-9,81%); Bắc Ninh (-11,39%); Bà Rịa – Vũng Tàu (-3,70%); Lai Châu (-0,16%) và Vĩnh Phúc (-0,5%). Tuy nhiên, ước tính 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất trong nhóm 5 địa phương có tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã đạt tăng trưởng dương trở lại vào quý II/2023 đạt 3,76%.
Điểm lại sự chuyển mình qua những con số!
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2023 cả nước có 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP âm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Quảng Nam (-9,81%); Bắc Ninh (-11,39%); Bà Rịa – Vũng Tàu (-3,70%); Lai Châu (-0,16%) và Vĩnh Phúc (-0,5%). Tuy nhiên, ước tính 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất trong nhóm 5 địa phương có tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã đạt tăng trưởng dương trở lại vào quý II/2023.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, GRDP quý II/2023 của địa phương tăng 3,76%, góp phần đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên mức tăng 1,69%. Tăng trưởng của ngành sản xuất linh kiện điện tử - ngành có đóng góp cao nhất vào cơ cấu GRDP của địa phương được ghi nhận tăng từ 6% trong quý I/2023 lên 14,17% trong 6 tháng đầu năm; trong đó, tháng 4/2023 tăng 19,13%, tháng 5/2023 ước tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu tổng giá trị tăng thêm theo ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 60,89%; khu vực dịch vụ chiếm 31,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 7,75%; 63,66% và 31,08%).
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.000 tỷ đồng; thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 360 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ, đạt 90% kế hoạch năm; thu các dự án DDI (dự án đầu tư trực tiếp trong nước) đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ, vượt 2,2 lần kế hoạch năm. Các nhiệm vụ chi ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách.
Đặc biệt, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt gần 360 triệu USD vốn FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 60,5% và đạt 89,9% kế hoạch. Hoạt động của khu vực doanh nghiệp cũng có tín hiệu khởi sắc, với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước khoảng trên 800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 197 doanh nghiệp.
Phản ứng nhanh với những quyết sách trọng tâm, quyết liệt!
Trước những con số “ báo động”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng kiểm tra, rà soát, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế; ban hành và triển khai quyết liệt đồng bộ hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, địa phương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Cùng với đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương để chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Tỉnh chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Có thể kể đến các công trình như: Cầu Vĩnh Phú nối liền hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ; cầu Đầm Vạc; đường từ cầu Bì La đi trung tâm Thị trấn Lập Thạch; đường tỉnh lộ 302 đến đền Thõng Khu danh thắng Tây Thiên. Ngoài ra còn có đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên,...
Đặc biệt, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đến nay, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh truy cập tại địa chỉ: dichvucong.vinhphuc.gov.vn đã kết nối gần 750 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với cổng dịch vụ công quốc gia. Kết quả các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đều giữ vững vị trí trong Top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, các ngành, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo cung ứng điện, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thiếu hụt lao động các tháng đầu năm, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, việc kịp thời rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực được lãnh đạo Tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm. Theo đó, Vĩnh Phúc đã phê duyệt 32 Đề án tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác quản lý nhà nước, khơi thông nguồn lực của 23 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; chủ động, sáng tạo trong tháo gỡ điểm nghẽn, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chính sách phân cấp xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất về bồi thường - giải phóng mặt bằng được Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai thực hiện; giai đoạn 2020-2023, toàn Tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng 2.875 ha; trong đó riêng năm 2023 đã giải phóng mặt bằng được 275 ha; đã khởi tố nhiều vụ án vi phạm quản lý đất đai, xử lý nghiêm minh, triệt để. Qua đó nhiều dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 đã đề ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân.
Theo đó, tăng cường công tác dự báo, tham mưu thực hiện các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023; tăng cường rà soát các thủ tục hành chính, phấn đấu giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính so với quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức và công dân.
Tập trung tháo gỡ khó khăn trong từng ngành, lĩnh vực và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm,...
Hoàng Thắm (Vietnam Business Forum)