Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Đắk Nông đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Đẩy mạnh liên kết nông nghiệp
Các mô hình kinh tế tập thể đang thể hiện vai trò là trợ lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sangs Farm với 27 thành viên sản xuất nông nghiệp tại huyện Đắk Glong đã hình thành vùng sản xuất quy mô khoảng 100 ha cây ăn quả và các loại cây trồng lâu năm như cà-phê, hồ tiêu. Hiện sản phẩm của các nông hộ liên kết sản xuất đều được hợp tác xã bảo đảm bao tiêu đầu ra. Điển hình như sản phẩm bơ và sầu riêng được hợp tác xã liên kết với Công ty Danoca Do để bao tiêu sản phẩm cho nông hộ. Bình quân mỗi tháng, khoảng 10-15 tấn bưởi của hợp tác xã được liên kết với các tiểu thương ở chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương bao tiêu đầu ra…Tổng doanh thu hằng năm của hợp tác xã đạt khoảng 25 tỷ đồng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sangs Farm Ngô Thanh Sáng cho biết, việc liên kết trong sản xuất rất có lợi, sẽ tạo ra sản phẩm đồng đều, tương đồng về chất lượng và giá trị, với sản lượng lớn… nên dễ đáp ứng các tiêu chí của thị trường, nhất là đầu ra của sản phẩm, tạo cơ hội lớn cho người sản xuất. Mặt khác, việc tạo ra các phân khúc trong chuỗi liên kết sẽ tạo nên tính chuyên nghiệp, người sản xuất chỉ cần tập trung tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng, hợp tác xã sẽ tập trung vào khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung sản xuất, chế biến chuyên sâu các sản phẩm đông lạnh từ bơ, sầu riêng, chanh dây và mặt hàng tinh dầu bưởi… để từng bước tiếp cận thị trường mới.
Tương tự tại Công ty TNHH Thực phẩm CJ Foods Việt Nam – Chi nhánh Long An ký kết hợp đồng liên kết với HTX Thịnh Phát (Đắk Glong) để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Theo đó, năm 2022, Công ty đã thu mua tổng cộng 160 tấn cải thảo của thành viên HTX, với giá ổn định 7.000 đồng/kg. Được bảo đảm đầu ra, người trồng rau không phải lo lắng bởi tình trạng tư thương ép giá, hàng hóa “dội chợ”.
Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết, chuỗi liên kết giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi trong áp dụng các quy trình canh tác. Đồng thời, góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực sản xuất.
Những đóng góp của các HTX đã làm thay đổi diện mạo, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đổi mới từng ngày, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Việc đẩy mạnh xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân đã tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất; tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", phát triển thêm sản phẩm OCOP…
Tạo đà cho xây dựng nông thôn mới bứt lên
Theo Văn phòng điều phối NTM Đắk Nông, đến nay, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Toàn tỉnh có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 60%, bình quân toàn tỉnh, mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn Đắk Nông cũng ngày càng khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, đầu tư khá đồng bộ theo quy hoạch, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Kinh tế nông thôn từng bước phát triển với quy mô, trình độ, hiệu quả ngày càng cao…
Quá trình xây dựng NTM, tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao thu nhập, tạo sự ổn định cho khu vực nông thôn. Nhờ vậy, những năm qua, nông nghiệp Đắk Nông đã có những dịch chuyển khả quan, trong đó có việc phát triển sản xuất hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến nay, Đắk Nông 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với 9 sản phẩm nông nghiệp các loại. Tổng cộng có 9.660 hộ gia đình tham gia vào các chuỗi liên kết này. Các chuỗi liên kết chiếm 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.Việc liên kết đang từng bước tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê,hồ tiêu, cao su, điều, bơ, sầu riêng…Ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cao cho người dân là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi đồng thời cũng là mục tiêu chính của Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, buôn, bản nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn
Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, hoàn thiện các mô hình liên kết, nâng cao giá trị sản xuất, cả hệ thống chính trị, xã hội, các địa phương, các cấp cơ sở của tỉnh vào cuộc, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI