Đắk GLong được đánh giá là một trong những huyện giàu tiềm năng và hội tụ đủ mọi yếu tố nằm trong định hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông: Công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp và du lịch.
Huyện Đắk G’Long nằm về phía Đông Nam của tỉnh Đắk Nông, giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm dồi dào, giá trị công nghiệp cao, trữ lượng lớn như: Boxit, vonfram, vàng, thiếc, cao lanh,… Đây còn là địa phương có lợi thế để phát triển công nghiệp điện. Trên địa bàn huyện có 2 nhà máy điện công suất tương đối lớn là Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 với công suất 180MW và Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 công suất 340MW đã vào đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia cùng nhiều công trình thủy điện khác.
Với diện tích hơn 14.600ha đất nông nghiệp, Đắk Glong có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, phù hợp cho các loại cây trồng lâu năm và cây trồng hàng năm. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của Đắk Glong phù hợp cho phát triển nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có những mô hình cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được xây dựng thương hiệu và cấp chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm như sầu riêng, măng cụt. Huyện cũng đang tiến hành xây dựng mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP cho cây ổi, cây bưởi, bơ,… Ngoài ra, Đắk Glong còn có thế mạnh để phát triển chăn nuôi heo và nuôi trồng thủy sản nước lạnh.
Đặc biệt, Đắk GLong có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và tài nguyên du lịch nhân văn quý giá. Trên địa bàn huyện có Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng rộng hơn 22.000ha, có đỉnh Tà Đùng cao gần 2.000m, là núi cao đứng vị trí thứ ba của Tây Nguyên. Khu vực này là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực miền Đông Nam Bộ với nguồn động, thực vật phong phú, quý hiếm. Hồ Tà Đùng nằm ở khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, có các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động đã tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.600ha mặt nước và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái trên hồ Tà Đùng. Ngoài ra, khu vực Vườn Quốc gia Tà Đùng còn có các dòng suối, nhiều ngọn thác tuyệt đẹp và kỳ bí. Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, như: Vui chơi giải trí (hồ - đảo, cụm thác dưới tán rừng), du lịch thể thao mạo hiểm, dã ngoại, nghiên cứu sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch tín ngưỡng.
Một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn cho Đắk Glong đó là bản sắc văn hóa độc đáo với điểm nhấn là văn hóa lễ hội cồng chiêng của đồng bào dân tộc M’Nông và Mạ. Các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, những bản sử thi truyền đời của đồng bào M’Nông,... là những tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa, nhân văn gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, Quốc lộ 28 chạy qua địa bàn huyện - tuyến đường huyết mạch nối Đăk GLong với trung tâm du lịch lớn cả nước - TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), liên kết với TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm, tour du lịch liên vùng: TP.Hồ Chí Minh - Đắk Nông - Lâm Đồng (Đà Lạt) - Bình Thuận, tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Đắk Long là huyện hội tụ đủ mọi yếu tố nằm trong định hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông đó là phát triển công nghiệp (alumin, luyện nhôm, năng lượng tái tạo), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu) và phát triển du lịch (du lịch địa chất, thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp xanh).
Ông Trần Nam Thuần, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện những năm qua đạt 14,21%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 39,25 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2020 - 2025 là 10.556 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6%/năm, đạt so với Nghị quyết đề ra. Giải quyết việc làm cho 8.500 lao động, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 5 - 7%, trong đó dân tộc thiểu số trên 6%. |
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI