BẮC GIANG

Những kết quả ấn tượng trong công cuộc số hóa

08:22:08 | 18/4/2024

Bắc Giang được coi là điểm sáng của cả nước về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Góp phần vào kết quả này, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS) và đạt những kết quả ấn tượng. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Gia Phong - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang.

Ông có thể cho biết tỉnh Bắc Giang đã, đang triển khai chính quyền số ra sao?

Với mục tiêu số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1677/KH-UBND ngày 22/4/2021 về số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Với dữ liệu rất lớn, Bắc Giang đưa ra các lộ trình số hóa dữ liệu cụ thể như:

* Đối với số hóa tại chỗ:

- Giai đoạn I bắt đầu triển khai từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022: Số hóa, cập nhật dữ liệu kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực được hình thành từ năm 2020 đến hết ngày 30/6/2022. Kể từ ngày 01/7/2022, các cơ quan, đơn vị thực hiện tạo lập dữ liệu điện tử đối với kết quả giải quyết TTHC khi ban hành, cập nhật vào hệ thống để phục vụ lưu trữ, khai thác.

- Giai đoạn II, năm 2023: Số hóa, cập nhật dữ liệu kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực được hình thành từ năm 2010 đến hết năm 2019.

- Giai đoạn III, năm 2024: Số hóa, cập nhật dữ liệu kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực được hình thành từ trước năm 2009.

* Đối với số hóa kết quả giải quyết TTHC trước đó:

- Ở cấp tỉnh, năm 2022, Sở TT&TT đã chủ trì thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC từ 01/6/2022 trở về trước của các sở, ngành; đến tháng 12/2022 đã hoàn thành số hóa và cập nhật dữ liệu lên hệ thống Trung tâm giải quyết TTHC cho 16 sở, ngành.

- Với cấp huyện, Sở đã tập huấn, hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC; kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực và có phát sinh hồ sơ. Trên cơ sở đó, các huyện đã chủ động thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC: Năm 2022, cấp huyện hoàn thành tỷ lệ 40% và cấp xã hoàn thành 35%, đồng thời mỗi năm tăng tỷ lệ tối thiểu 30%. Đến nay, các huyện đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu giao, điển hình như huyện Yên Dũng hoàn thành 100% ngay từ năm 2022.

Song song đó, 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện tạo lập dữ liệu điện tử đối với kết quả giải quyết TTHC khi ban hành, cập nhật vào hệ thống để phục vụ lưu trữ, khai thác. Sau khi số hóa người dân, DN có thể tái sử dụng các thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để phục vụ lần giải quyết TTHC lần sau.


Tỉnh Bắc Giang khai trương hệ thống chữ ký số cho người dân và doanh nghiệp

Những dấu ấn nổi bật sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025?

Trong những năm qua, Bắc Giang đạt được kết quả quan trọng trong CĐS cấp tỉnh: 3 năm liên tiếp Chỉ số DTI trong Top 10 đứng đầu cả nước (năm 2020, 2021 xếp 10/63; năm 2022 xếp thứ 9 - vượt chỉ tiêu nghị quyết giao 15/63 tỉnh/thành); Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong CCHC xếp 01/63; Chỉ số ICT Index năm 2022 xếp 5/63 tỉnh, thành phố.

Có được kết quả nổi bật trên do quyết tâm chính trị rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến trình CĐS và CCHC.

Tỉnh cũng đặt ra 03 nhiệm vụ tập trung trước mắt: Vấn đề thứ nhất là triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS và hoàn thiện các văn bản, quy chế, quy định để phục công tác CĐS; xây dựng kế hoạch để CĐS với tất cả lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên về đất đai; cơ sở dữ liệu chuyên ngành; cắt giảm TTHC. Thứ hai là tập trung CĐS trong quản lý về nhân khẩu, con người, hệ thống camera giám sát, an ninh. Thứ ba là nâng cấp hoàn thiện hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu; các nền tảng dịch vụ phục vụ CĐS; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hệ thống nền tảng số, kho dữ liệu số hiện đại phục vụ việc chia sẻ, kết nối, khai thác và phân tích; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dữ liệu mở, định danh điện tử và đẩy nhanh thực hiện cung cấp chữ ký số miễn phí cho nhân dân và DN.

Tỉnh đặc biệt quan tâm việc xây dựng đô thị thông minh; đã phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh đến năm 2030, trong đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo nhằm tạo sự minh bạch, hiệu quả và phục vụ người dân, phục vụ DN tốt hơn. Đến nay, Bắc Giang đã đưa vào khai thác vận hành trung tâm điều hành thông minh IOC, một số đơn vị cấp huyện như: Thành phố Bắc Giang trong tháng 4/2023 cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); thị xã Việt Yên (mới thành lập) cũng xây dựng xong Khung kiến trúc ICT.

Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm dùng chung để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, người dân và DN. Ngoài ra, Chỉ số hoạt động kinh tế số đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố .     

Để công cuộc CĐS đem lại hiệu quả thiết thực hơn, đâu là điểm nghẽn cần tháo gỡ?

Bên cạnh kết quả đạt được quá trình CĐS của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức và kỹ năng số của người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; hạ tầng số thiếu đồng bộ giữa các cấp chính quyền; nguồn nhân lực số còn bất cập; việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương còn vướng mắc,...

Để tiếp tục thực hiện CĐS hiệu quả, thực chất đòi hỏi có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2024, Bắc Giang xác định cần bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CĐS quốc gia, Chính phủ, Bộ TT&TT về CĐS để tổ chức triển khai nhiệm vụ phù hợp. Tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức về CĐS cho người dân, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số đồng bộ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số” và nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan chính quyền, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin và phát triển kinh tế số, xã hội số sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Giang năm 2024.


Chuyển đổi số được đẩy mạnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Ông đánh giá sao về Chỉ số Tính minh bạch tỉnh Bắc Giang những năm qua?

Những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng hạng, trong đó năm 2022 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Góp phần nâng hạng chỉ số chung PCI cấp tỉnh, chỉ số thành phần Tính minh bạch cũng cải thiện: Năm 2020 đạt 5,39 điểm, xếp 52/63; năm 2021 đạt 6,27 điểm, xếp 18/63; năm 2022 đạt 6,30 điểm, xếp 19/63 tỉnh, thành phố. Có nhiều chỉ số thành phần xếp ở top đầu thể hiện tính minh bạch cao như: Tiếp cận tài liệu quy hoạch (xếp 4/63); Tiếp cận tài liệu pháp lý (xếp 7/63); Thông tin trên website của tỉnh về các quy định về TTHC là hữu ích (xếp 6/63); thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh (xếp 5/63); Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp DN giảm được số thuế phải nộp (xếp 2/63);…

Là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chỉ số trên, Sở đang tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng?

Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch nâng cao Chỉ số Tính minh bạch, trong đó các nhiệm vụ và giải pháp:

- Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công khai 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) với các nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất,… và các văn bản quy phạm pháp luật, các TTHC, chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho DN.

- Phát huy hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp đầy đủ các dữ liệu về quy hoạch, cơ chế chính sách và hướng dẫn theo hướng ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; nâng cao hiệu quả chuyên mục trao đổi, hỏi đáp đối với DN, nhà đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang web của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PCI; Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương (DDCI) để doanh nghiệp hiểu đúng, đánh giá đúng các nội dung được khảo sát; tuyên truyền tới người dân và DN nắm được lợi ích, cách thức khi truy cập vào các cổng thông tin điện tử của tỉnh, cơ quan chính quyền để lấy thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)