BẮC GIANG

Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng thu ngân sách bền vững

14:28:30 | 19/4/2024

Đồng hành cùng sự phát triển chung của tỉnh, ngành Tài chính Bắc Giang tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp đảm bảo giữ vững cân đối ngân sách, ổn định an sinh xã hội; đồng thời tập trung triển khai hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN),... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách bền vững. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang xung quanh vấn đề này.

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến mục tiêu thu ngân sách đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, (trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.700 tỷ đồng; thu nội địa 14.368 tỷ đồng). Để thực hiện mục tiêu này, Sở Tài chính đã tập trung triển khai những giải pháp nào?

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, năm 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, nhất là mục tiêu thu NSNN đã đề ra; các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh.

Đối với Sở Tài chính, ngay từ đầu năm đã bám sát các nhiệm vụ được giao, tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tài chính, ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị dự toán, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024 đảm bảo theo đúng các quy định. Cùng với đó, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình KT - XH, tình hình sản xuất kinh doanh của DN; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đổi mới và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, chủ động đánh giá từng khoản thu, nguồn thu; thường xuyên kiểm tra rà soát, phân tích làm rõ nguyên nhân khoản còn thất thu, còn tiềm năng để đề ra biện pháp quản lý có hiệu quả, tìm ra các giải pháp tăng thu nhằm bù đắp các khoản thu giảm. Giám sát chặt chẽ việc kê khai nộp thuế của các DN, đôn đốc xử lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất,... của các DN, các dự án có số nợ lớn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; tiến độ thanh toán và thực hiện quyết toán dự án. Đặc biệt, đề cao và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách TTHC; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Một trong các giải pháp được Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhắc đến thường xuyên để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế là đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Giải pháp này được Sở Tài chính triển khai như thế nào, thưa ông?

Việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và các CTMTQG đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 06/02/2024 về tăng cường chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, CTMTQG.

Sở Tài chính đã cử lãnh đạo Sở tham gia Tổ công tác liên ngành của tỉnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; trực tiếp phụ trách 01 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các CTMTQG nhằm cập nhật, nắm bắt tình hình thực hiện, đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn của các chương trình, dự án. Hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chương trình, dự án hoặc đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề còn tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án và giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Hàng tháng, Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, CTMTQG (bao gồm cả cấp tỉnh, huyện, xã) báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện quyết toán dự án hoàn thành tại một số huyện; định kỳ tổng hợp tình hình quyết toán dự án hoàn thành toàn tỉnh; đảm bảo việc lập, thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng thời gian quy định; xác định đầy đủ và chính xác tổng mức vốn đầu tư của dự án. Ngoài ra, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đề xuất các giải pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản tại các chủ đầu tư, cấp huyện, xã; kiên quyết không để phát sinh tăng nợ đọng xây dựng cơ bản.


Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tháng 8/2023

Một trong những giải pháp mà Bắc Giang đang quyết liệt thực hiện là đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông có thể cho biết vấn đề này được ngành Tài chính tỉnh chú trọng ra sao?

Thời gian qua, Sở Tài chính thực hiện CCHC thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động và sáng tạo. Các giải pháp cải cách đã được triển khai toàn diện từ cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính,… Những nỗ lực này đã góp phần tạo nên hệ thống quản lý ngân sách hiệu quả, minh bạch trong việc giao dịch giữa chính quyền với người dân và DN, góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển.

Đặc biệt, đối với công tác cải cách TTHC, Sở giao phòng chuyên môn thường xuyên rà soát, đánh giá và đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có. Điều này đã giúp giảm thiểu khó khăn cho người dân và DN khi thực hiện các TTHC.

Hiện tại, 100% TTHC của Sở đều được công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng thông tin điện tử của Sở giúp việc tra cứu và thực hiện TTHC trở nên dễ dàng hơn. Toàn bộ 15 TTHC của Sở được thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tổng số hồ sơ tiếp nhận năm 2023 là 2.095 hồ sơ (100% tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần); đã giải quyết 2.095 hồ sơ, (2.094 hồ sơ được trả trước hạn, 01 hồ sơ trả đúng hạn).

Kết quả thực hiện thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đến hết tháng 3/2024: 5.267,6 tỷ đồng, đạt 32,8% dự toán năm, bằng 114,5% so cùng kỳ; thu nội địa 4.775,3 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 492,3 tỷ đồng, đạt 30% dự toán tỉnh giao, góp phần tạo nền tảng quan trọng để ngành Tài chính Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2024.

Bên cạnh đẩy mạnh cải cách TTHC, Sở chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Các nền tảng hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số của ngành được duy trì hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, thực tiễn như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), hệ thống cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, phần mềm quản lý và điều hành NSNN, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, hệ thống quản lý tài sản công, phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp, phần mềm kế toán ngân sách xã,…

Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả (thông qua báo, truyền hình, mạng xã hội, trang web,...); thông tin công khai ngân sách cũng được kết nối, tích hợp trên website của Sở, giúp DN dễ dàng tiếp cận thông tin,… tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Với những nỗ lực không ngừng và quyết tâm cao, năm 2023, Sở Tài chính đứng đầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh về Chỉ số CCHC với nhiều chỉ số tăng điểm như: Chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 11 điểm, tăng 1,08 điểm; chỉ số cải cách thể chế đạt 12,61 điểm và tăng 1,99 điểm; chỉ số cải cách TTHC đạt 27,89 điểm và tăng 1,57 điểm; chỉ số cải cách công vụ đạt 11,56 điểm và tăng 0,83 điểm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)