Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai và điều kiện canh tác, cùng với công tác chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật; nâng cao năng suất sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi; thay đổi nhận thức và tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số… nông nghiệp Gia Lai đã tạo bước đột phá mới với nhiều loại nông sản, vật nuôi đã có thương hiệu như hồ tiêu Chư Sê, bò Hà Tam.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Tỉnh Gia Lai sở hữu nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển một ngành nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Thời tiết, khí hậu ôn hòa là một trong những yếu tố tiên quyết làm nên những vụ mùa bội thu tại mảnh đất giàu tài nguyên này. Cùng với thuận lợi về thời tiết, Gia Lai sở hữu một diện tích đất tự nhiên trên 1,553 triệu ha gồm 7 nhóm đất với 26 loại đất khác nhau, trong đó một diện tích lớn các nhóm: đất phát triển trên đá Bazan, đất xám, đất phù sa màu mỡ rất thích hợp để phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, đưa nông nghiệp trở thành một trong những thế mạnh của Gia Lai. Hiện tỉnh có 76.367ha cây cà phê, 73.218ha cao su, 20.568ha cây điều, 5.050ha hồ tiêu,... đủ điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Gia Lai có nguồn lao động dồi dào, thích hợp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tính đến hết năm 2008, toàn tỉnh có khoảng 563.341 lao động, trong đó lao động trong các hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp khoảng 405 ngàn người.
Dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có, Ban lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đường lối, chủ trương phát triển đúng đắn mang lại những kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp Gia Lai thời gian qua. Trong mỗi giai đoạn, tđều cho rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng cho phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Cụ thể bằng các nguồn ngân sách của TW, tỉnh, huyện…, tỉnh đã xây dựng khoảng trên 265 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ để tưới cho khoảng trên 35.000ha cây trồng các loại; Triển khai nhiều dự án để tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi như: dự án phát triển giống lúa nước chất lượng cao; dự án nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh cà phê Robusta tại Chư Sê... Đặc biệt chú trọng tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến người dân; tăng cường công tác dự tính, dự báo và phòng chống sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh hại gia súc...
Ngoài ra, tỉnh đã chủ động mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Song song với việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh liên tục kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và cũng đã thu hút được các doanh nghiệp chế biến nông sản như: doanh nghiệp chế biến mía đường, tinh bột sắn, điều, thức ăn chăn nuôi... đến cùng chung tay phát triển.
Đưa nông sản Gia Lai vươn xa
Với những nỗ lực phát triển mạnh ngành nông nghiệp từ phía Ban lãnh đạo tỉnh Gia Lai, 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng giá trị sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản ở Gia Lai vẫn đạt mức tăng 7,91% so với cùng kỳ năm 2008. Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp như: giống lúa nước chất lượng cao, cao su tiểu điền… được nông dân Gia Lai thâm canh đại trà, mở rộng diện tích tiếp tục mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt sự ổn định về giá cả thị trường các mặt hàng nông sản đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực trong 6 tháng qua đạt 147.465 tấn, tăng 5.428 tấn so cùng kỳ năm 2008. Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định của ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng phát huy tiềm năng và lợi thế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển nông lâm ngư nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, UBND tỉnh Gia Lai xác định toàn tỉnh sẽ nỗ lực đảm bảo vấn đề an ninh lương thực; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; chú trọng đầu tư chiều sâu các vùng sản xuất tập trung với cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý gắn với công nghiệp chế biến và thị trường để khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của từng vùng, từng sản phẩm.
Đối với các nông lâm sản tiêu dùng trong nước, tỉnh sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng “Thực hành nông nghiệp tốt” (GAP). Đối với các sản phẩm xuất khẩu, tích cực khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Trên cơ sở đó dần dần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nông – lâm – thuỷ sản và xây dựng thương hiệu cho nông sản Gia Lai. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo, trình UBND tỉnh ban hành một số quy định về sản xuất thực phẩm an toàn; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản; một số chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân sản xuất nông sản áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng để được cấp chứng chỉ như: VietGAP và các GAP tương đương; ISO, Utz và 4C với cà phê…, nỗ lực ngày càng nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho nông sản Gia Lai vươn xa chinh phục thế giới.
Mỹ Châu