Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km về phía Tây, huyện Mường Ảng được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Những năm qua, cây cà phê đã góp phần làm thay đổi diện mạo mới cho toàn huyện, đưa Mường Ảng trở thành thủ phủ cà phê của tỉnh Điện Biên, xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.
Cây cà phê đứng chân trên đất Mường Ảng đã trải qua bao biến cố, thăng trầm và có những lúc tưởng rằng sẽ bị nhổ tận gốc, bốc tận rễ, nhưng với ý chí và quyết tâm đi lên từ chính loài cây này, đến nay bao hộ nông dân Mường Ảng không chỉ vượt đói nghèo mà còn trở thành những triệu phú cà phê. Tổng diện tích cây cà phê toàn huyện hiện đạt 3.118 ha, trong đó, cà phê trồng mới là 535ha, cà phê KTCB là 1.176,17 ha, diện tích cà phê KD là 1.407 ha. Năng suất ước đạt 31,2 tạ/ha, sản lượng cà phê trấu ước đạt 4.389 tấn/ha.
Là người trăn trở với cây cà phê và cũng đặt niềm tin vào loài cây được xem là hy vọng giúp nông dân Mường Ảng không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể làm giàu, ông Hà Văn Quân, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Khi thấy cà phê đem lại hiệu quả kinh tế thì không cần phải tuyên truyền, vận động, bà con vẫn tích cực trồng và mở rộng diện tích. Điều đó cũng là đương nhiên vì từ trước đến nay, chưa loại cây trồng nào đem lại hiệu quả kinh tế như cây cà phê. Người dân tức thời trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vậy là điều rất mừng. Bởi bà con đã biết tìm hướng đi cho chính mình để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Quá trình định hướng phát triển cây cà phê còn tồn tại một số hạn chế như đầu ra cho sản phẩm, chưa đồng bộ phát triển cà phê theo hướng bền vững, một số diện tích trồng chưa đảm bảo đúng kỹ thuật, việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ góp vốn để phát triển cà phê doanh nghiệp còn chậm. Đơn cử như Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng chưa chủ động tham mưu với chủ sở hữu để kiện toàn hội đồng quản trị đưa ra được phương án sản xuất, hiệu quả, chưa xác định nghĩa vụ, quyền lợi của người dân góp đất phát triển cà phê theo công ty. Vậy nên người dân chưa thực sự tin tưởng và yên tâm góp đất với công ty.
Do đó, bên cạnh việc đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích, huyện chú trọng thu hút đầu tư để xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến cà phê, nhằm thu mua nguyên liệu cho các hộ dân. Một mặt chủ động tổ chức kiếm tìm các doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, có kinh nghiệm trong vấn đề thị trường, chế biến sản phẩm tại các vùng cà phê truyền thống (như Tây Nguyên) để hỗ trợ và liên kết thu mua sản phẩm cho nông dân, tìm đầu ra ổn định cho cây cà phê. Mặt khác, huyện cũng thường xuyên họp bàn xúc tiến quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ngày 23/11/2012 vừa qua, Sở NN - PTNT có phối hợp với UBND huyện Mường Ảng tổ chức hội thảo phát triển cây cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2012 nhằm đẩy mạnh liên kết trong quá trình sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm cà phê, nâng cao giá trị sản phẩm.
Trong thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cà phê, những vấn đề cấp bách trong khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm... hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng đáp ứng tiêu chuẩn gắn với bộ chứng chỉ quốc tế về cà phê. Để cây cà phê phát triển bền vững, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cà phê gắn với lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường; tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững, tăng hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng để nông dân Mường Ảng yên tâm phát triển cà phê, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
T.L
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI