Những năm cuối của thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ 20, thị xã Lai Châu (nay là Mường Lay) thủ phủ của tỉnh Lai Châu cũ, thường xuyên bị thiên nhiên đe dọa rất khó phát triển kinh tế xã hội. Lúc đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu đã đưa ra quyết sách cực kỳ quan trọng: “Rời đô” từ thị xã Lai Châu về Điện Biên Phủ. Thị xã Điện Biên Phủ được thành lập ngày 18/4/1992, trên cơ sở gộp xã Thanh Minh và 1 phần thị trấn của huyện Điện Biên với diện tích 5.056 ha, dân số 17.000 người trên 2 phường Mường Thanh, Him Lam và 2 xã Noong Bua, Thanh Minh.
20 năm sau thành lập; năm 2012, GDP bình quân đầu người đạt 2.577 USD/năm (tăng trên 33 lần so với năm 1992); thu ngân sách đạt 150,3 tỷ đồng (tăng 650 lần). Bộ mặt đô thị đổi thay nhanh chóng, đến nay có 123 km đường được thảm nhựa, có 94% đường vào ngõ, bản được bê tông hoá, đã lát 83% diện tích vỉa hè; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 70%; bình quân có 65 máy điện thoại/100 dân; 98% dân số được dùng điện sáng; 97% dân số nội thành được dùng nước sạch. Nhiều công trình mới được xây dựng hiện đại như: Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh, Khách sạn Mường Thanh, đường nối tuyến quốc lộ 279, quốc lộ 12 vào thành phố, 3 bệnh viện cấp tỉnh ... Các tiểu khu đô thị Kênh Tả, Thanh Trường - Thanh Bình được xây dựng đồng bộ; đặc biệt là khu đô thị Noong Bua được đầu tư xây dựng với số vốn khá lớn và cơ bản hoàn thành, tiếp nhận gần 1000 hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Thành phố hiện có 33 trường học, trong đó 45% số trường đạt chuẩn quốc gia; 7/9 phường xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thành phố chỉ còn 1,89% hộ nghèo, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.
Trong giai đoạn phát triển hội nhập hiện nay, đáp ứng mong mỏi của nhân dân tỉnh nhà, thành phố Điện Biên Phủ được quy hoạch trở thành đô thị loại II vào năm 2015, theo Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được cụ thể hóa tại Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2015.
Tuy nhiên nếu nhìn vào các tiêu chí cụ thể của đô thị loại II, vấn đề của thành phố ở đây là phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Giao thông, điện, cấp nước sạch, thoát nước, hệ thống xử lý rác thải, cây xanh… và hạ tầng xã hội cơ bản như trường học, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí, khách sạn - nhà hàng, cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, nhà ở và làm việc …có qui mô đảm bảo phục vụ cho dân số tối thiểu trên 210.000 người (gần 2 lần quy mô dân số hiện nay).
Thêm vào đó, tổng sản phẩm GDP của Thành phố hàng năm tối thiểu đạt 420 triệu USD (tương đương 8820 tỷ VND); thu ngân sách hàng năm đạt tối thiểu theo tiêu chí qui định là 420 tỷ đồng/năm (gấp hơn 3 lần hiện nay). Kinh tế thành phố phát triển với cơ cấu hiện đại thì cơ cấu lao động mới đảm bảo đạt 80% lao động phi nông nghiệp trở lên và thu nhập bình quân đầu người/năm phải gấp 1,4-2 lần bình quân chung của cả nước.
Tính đến thời điểm này TP. Điện Biên Phủ đạt 52 điểm so với tiêu chí đô thị loại II, phấn đấu năm 2015 đạt 77,9/100 điểm. (điểm tối thiểu quy định đô thị loại II là 70 điểm). Có thể nói “Chiếc áo” đô thị loại 2 vẫn còn khá rộng với thành phố Điện Biên Phủ hiện tại. Tuy nhiên với nền tảng và thành tựu sau 20 năm xây dựng và phát triển, tinh thần đoàn kết, các dân tộc anh em sẽ chung tay góp sức xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II, một trong những đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc - Thành phố lịch sử - giàu đẹp - đậm đà bản sắc các dân tộc vùng Tây Bắc.
Đô thị loại 2 có 6 tiêu chí: Chức năng Đô thị (Kinh tế -xã hội), Dân số, Mật độ dân số nội thành, Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, Hạ tầng kỹ thuật - xã hội, Kiến trúc cảnh quan đều liên quan mật thiết với nhau; trong đó Hạ tầng kỹ thuật – xã hội là cơ bản nhất, chiếm 55/100 điểm. |
Thiên Anh
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI