HÀ NAM

Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

09:28:47 | 23/1/2013

Năm 2012 là năm bản lề Hà Nam trong công tác thực hiện nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Mặc dù gặp không ít khó khăn vướng mắc nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành Lao động Thương binh Xã hội đã tạo được những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là trong công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Thời gian qua lạm phát và suy giảm kinh tế tác động không nhỏ đến các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Hà Nam và ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định bền vững, trong đó mục tiêu giải quyết việc làm được quan tâm đúng mức. Sau khi Nghị quyết Đại hội toàn tỉnh được đề ra, Ban giám đốc và Phòng LĐTBXH các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở thường xuyên tổ chức các buổi họp bàn để thống nhất giải quyết những vướng mắc trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Với sự quan tâm sát sao của Sở ngành và Nhà nước, công tác đào tạo nghề của tỉnh bước đầu khởi sắc, tăng cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở dạy nghề bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm dạy nghề và cơ sở nghề khác nhau hàng năm đào tạo khoảng 15.000 đến 17.000 lượt người đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động trong và ngoài tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2012 là 37%, đội ngũ lao động sau đào tạo có trình độ tay nghề cao, chuyên môn kỹ thuật giỏi, hướng đến thị trường.

Bên cạnh đó, Sở đã trình tỉnh phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và phê duyệt định mức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-Ttg. nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Công tác dạy nghề đã góp phần tích cực tạo việc làm và xóa nghèo đói cho người dân (2 hình thức đào tạo các cơ sở liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo tập chung tại các sơ sở, sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp nhận vào làm và các cơ sở liên kết với các doanh nghiệp thuộc diện chính sách đòa tạo cho lao động có độ tuổi trên 35)

Đối với hoạt động giới thiệu việc làm Sở ngành được quan tâm đúng mức. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành “ chợ việc làm” vào 15 hàng tháng, các ngày diễn ra phiên giao dịch luôn thu hút được hàng nghìn người tham gia. Việc lồng ghép các chương tình, dự án đã hỗ trợ hàng chục ngàn lao động có thêm việc làm, từ đó đời sống của người lao động được cải thiện lên rất nhiều.

Ông Lê Văn Hùng Phó giám đốc Sở cho biết: những năm qua việc đào tạo nghề theo “địa chỉ” tức là đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh được ngành lao động hết sức quan tâm. Vì thế tỉnh cũng thường xuyên kêu gọi và khuyến khích việc dạy nghề tại các doanh nghiệp và phát triển dạy nghề khu vực tư nhân. Qua đó xây dựng những cơ chế phù hợp để doanh nghiệp có thể yên tâm tham gia hỗ trợ dạy thực hành và thực tập nghề. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng chính sách phối hợp giữa đào tạo và sử dụng, chính sách hợp tác và khuyến khích đào tạo với doanh nghiệp. Những đơn vị làm tốt công tác này có thể kể đến là: Trường cao đẳng nghề Hà Nam, Trường Cao đẳng phát thanh truyền hình I, Trường Trung cấp nghề công nghệ Hà Nam, Trung tâm dạy nghề huyện Duy Tiên..., Nhiều học viên các lớp nghề phi nông nghiệp, khi ra trường đều được các doanh nghiệp nhận và tạo điều kiện làm việc thuận lợi.

Cần đa dạng hóa ngành nghề, trường lớp đào tạo, đảm bảo đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nam sẽ đạt trên 45% và năm 2020 đạt tỷ lệ trên 60% trở lên, thực hiện tốt mục tiêu tạo việc làm mới cho người lao động hàng năm đã được Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, HĐND các cấp đề ra./.

PV