LÀO CAI

Huyện Bát Xát: Tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư

15:01:40 | 26/8/2013

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống, là một trong những địa bàn rất quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng- an ninh của tỉnh. Đặc biệt Bát Xát đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ tạo nên môi trường thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Huyện có diện tích tự nhiên 106169 km2 với 98.8 km đường biên giới, trong đó trên 70% là đồi núi. Toàn huyện có 22 xã1 Thị trấn với 246 thôn bản ( 16 xã thuộc chương trình 135, 10 xã biên giới). Dân số toàn huyện là 15.311 hộ với gần 75 nghìn nhân khẩu, tổng số lao động là trên 40 nghìn người, có 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 82%.

Với vị trí địa lý: phía bắc giáp huyện Kim Bình, huyện Hà Khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với chiều dài biên giới 98.8km, có hai của khẩu tiểu ngạch đang hoạt động, phía Đông Nam giáp Thành phố Lào Cai ( từ trung tâm Thành phố Lào Cai đến thị trấn Bát Xát dài 12km). Bát Xát là điểm đầu đường cao tốc Lào Cai Hà Nội, tuyến đường xuyên á, vị trí liền kề với cửa khẩu quốc tế Lào Cai với vai trò là bàn đạp cho hai hành lang, một vành đai kinh tế quan trọng của Việt Nam với Châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc, Bát Xát dễ dàng nhận được sự phát triển lan toả của khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Các năm qua, Bát Xát chú trọng tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại huyện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó đặc biệt là lĩnh vực khai khoáng được đặc biệt quan tâm đầu tư có trọng điểm. Hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng lớn của Trung ương như Tổng Công ty Than Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư khai thác Mỏ tuyển đồng Sinh quyền, xây dựng khu liên hợp gang thép Bản Qua; Tổng Công ty Apatit Việt Nam và một số công ty vừa và nhỏ đang tham gia khai thác khoáng sản đồng, sắt trên địa bàn huyện.

Có thể nói Bát Sát được đánh giá là huyện giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Mỏ đồng Sinh quyền với trữ lượng địa chất trên 100 triệu tấn, là mỏ đa kim ngoài đồng còn có sắt, vàng, bạc, lưu huỳnh; 16 điểm mỏ sắt kéo dài dọc sông Hồng; 2 phân vùng của mỏ Apatit. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có các mỏ khoáng sản khác như Cao lanh, grafit, đất hiếm, sét xi măng, sét gạch ngói. Do địa bàn chia cắt mạnh, mạng lưới sông suối tương đối dày đặc, có lợi thế phát triển thuỷ điện.

Hiện Bát Sát là một trong hai vùng phát triển công nghiệp của tỉnh Lào Cai, (sau khu công nghiệp Tằng Lỏng Bảo Thắng) với nhiều nhà máy như Mỏ tuyển Đồng Sin Quyền đi vào sản xuất từ năm 2006 với sản lượng 40.000 tấn tinh quặng đồng, 60.000 tấn tinh quặng sắt hàng năm, doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Nhà máy tuyển đồng Lũng Pô công suất 5000 tấn tinh quặng đồng/năm. Bát Sát khởi công khu liên hợp gang thép Lào Cai tại Bản Qua quy mô 200 nghìn tấn phôi/năm. Bên cạnh đó Bát Xát cũng đã xây dựng 14 nhà máy thuỷ điện, trong đó có 6 nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động, số còn lại sẽ được hoàn thành vào năm 2015, đưa tổng công suất lên 221 MW. Có 3 nhà máy gạch tuynel với công suất trên 80 triệu viên/năm.

Trong những năm qua, Bát Xát chú trọng áp dụng các chủ trương chính sách của tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch. Bát Xát tạo điểu kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa bàn huyện, tạo một môt trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả. Ông Hoàng Đăng Khoa – Phó Chủ tịch huyện Bát Xát cho rằng huyện sẽ tập trung giải quyết, cấp đất dự án, giải phóng mặt bằng nhanh chóng khi có dự án đầu tư; đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kinh tế kỹ thuật như điện, đường, bến bãi, thông tin liên lạc ( mạng internet, viễn thông…); tập trung chỉ đạo cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký đầu tư, thủ tục đăng ký xuất nhập khẩu ( thực hiện mở tờ khai điện tử đối với hàng hoá xuất nhập khẩu), và coi đây là bước đột phá.

Trần Đạt