Lào Cai là một trong số ít những tỉnh miền núi hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường sông, nối cả vùng Tây Bắc của Tổ quốc với vùng Tây Nam – Trung Quốc và trong tương lai sẽ có đường hàng không. Những yếu tố thuận lợi này đã đưa Lào Cai trở thành một mắt xích quan trọng trong tuyến hành lang giao thông và hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; đưa cửa khẩu quốc tế Lào Cai trở thành một trong những cửa khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam với vùng Tây Nam – Trung Quốc.
Thời gian này, dù tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm, ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế vẫn sẽ có tác động tiêu cực đến việc triển khai xây dựng các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai cho biết: Nhằm tiếp tục phát huy lợi thế, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Lào Cai quyết tâm đề ra và thực hiện mục tiêu cho đến năm 2015. Đó là: Tập trung triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống các tuyến quốc lộ; Hoàn thành việc xây dựng 02 làn xe dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT triển khai các dự án cải tạo nâng cấp đường sắt Yên Viên – Lào Cai; Chỉnh trị ghềnh thác để khai thác vận tải trên sông Hồng; Đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn cấp V, cấp VI trở lên; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn, hoàn thành các mục tiêu giao thông của 36 xã xây dựng nông thôn mới.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu, ngành GTVT Lào Cai đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trước hết, ngành có liên hệ chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương để xây dựng kế hoạch và lộ trình đàu tư xây dựng các dự án, các công trình Quốc lộ, công trình do TW quản lý. Hệ thống giao thông là cơ sở quan trọng tạo lợi thế, sức hút, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ngành ưu tiên, khuyến khích đầu tư, song hành có giải pháp hợp lý để huy động các nguồn vốn trên địa bàn tỉnh cho chương trình phát triển hệ thống GTVT như: Nguồn ngân sách nhà nước là chủ yếu, vận động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA; kết hợp cải tạo nâng cấp cầu đường với việc xây dựng các khu công nghiệp tại tỉnh. Tranh thủ nguồn vốn từ các dự án phát triển giao thông nông thôn của Bộ GTVT (vốn WB). Ngoài ra tạo vốn từ quỹ phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, bảo trì, đăng kiểm... Các công trình, dự án đã được bố trí vốn ngân sách nhà nước đang triển khai sẽ được tập trung đầu tư để đảm bảo hoàn thành dứt điểm và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Công tác tuyên truyền, động viên được ngành đẩy mạnh và triển khai tích cực phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn và hân rộng những mô hình làm tốt để các địa phương học tập.
Khi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ là bước phát triển đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, cải thiện môi trường đầu tư, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Quang Sáng
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI