Văn Bàn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lào Cai, cách trung tâm tỉnh Lào Cai 75km. Huyện Văn Bàn có tổng diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (142608,29ha) với dân số trên 84 ngàn người. Diện mạo Văn Bàn hôm nay đang ngày càng khởi sắc với những dãy nhà cao tầng nối san sát nhau, những con đường nhựa trải rộng, những khuôn viên cây xanh rợp bóng mát và khu trung tâm hành chính huyện khang trang, sạch đẹp.
Tự nhiên ưu ái cho Văn Bàn nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội: nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú (Sắt, vàng, Apatit…), có tuyến quốc lộ 279 đi qua, có điểm đầu nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh với Đền Cô (xã Tân An), Đền Ken (xã Chiềng Ken). Bên cạnh đó huyện Văn Bàn có nguồn nhân lực dồi dào. Phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có, với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp các ngành, sự nỗ lực không ngừng của nhân dân huyện, Văn Bàn đang vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Kinh tế của huyện tăng trưởng cao, nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất lương thực cũng như chăn nuôi gia súc đều đạt những kết quả hết sức khả quan, công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, khai thác lâm sản được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm chỉ đạo và có sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn huyện có 49 trường đạt chuẩn Quốc gia, đứng đầu tỉnh Lào Cai về số trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ mầm non vào năm 2013 sớm hơn so với mục tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện, 23/23 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến thời điểm này, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 26,3%, giảm 24,8% so với năm 2014, bình quân giảm 7,57%/năm. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới với 23/23 xã có điện lưới quốc gia và đường ô tô đến trung tâm xã. Công tác quốc phòng an ninh được tăng cường, góp phần ổn định tình hình để phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay tình hình kinh tế cả nước nói chung và địa phương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện đã xác định tập trung giải quyết tháo gỡ một số vấn đề trọng tâm sau:
Duy trì và phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Xác định nông nghiệp – nông thôn là “trọng tâm”, công nghiệp là “đột phá”, chú trọng phát triển thương mại – du lịch gắn với bảo vệ môi trường, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm gần đây, công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện nay huyện Văn Bàn có trên 900 hộ kinh doanh cá thể, trên 40 hợp tác xã, 39 nhà máy thủy điện trong quy hoạch (6 nhà máy đã đi vào hoạt động), quy hoạch 02 khu công nghiệp tại Tân An (quy mô 1000ha) và Tân Thượng (từ 700 – 1000ha) dọc theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Quy hoạch 3 cụm tiểu thủ công nghiệp, 12 điểm mỏ khoáng sản.
Huyện cam kết sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện với những giải pháp cụ thể như: Nâng cao tính năng động trong điều hành của lãnh đạo huyện; làm tốt công tác quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính với mục đích giảm tối đa chi phí; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Duy Bình
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI