Bát Xát là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bát Xát đã chủ động khai thác mọi tiềm năng lợi thế và đạt được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế xã hội.
Huyện Bát Xát có vị trí địa lý thuận lợi, phía bắc giáp huyện Kim Bình, huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với chiều dài biên giới 98,8 km, có 2 cửa khẩu tiểu ngạch đang hoạt động; phía đông nam giáp thành phố Lào Cai (từ trung tâm thành phố Lào Cai đến thị trấn Bát Xát 12km). Bát Xát là điểm đầu đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội, vị trí nằm liền kề với cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Khu kinh tế cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai được quy hoạch mở rộng về phía Bát Xát. Cửa khẩu tiểu ngạch Bát Xát hoạt động sôi nổi, trong những năm qua kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 2/3 kim ngạch xuất nhập khẩu của cả tỉnh Lào Cai. Trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu phụ Bản Vược đạt 447 triệu USD.
Bát Xát là huyện có tiềm năng về lao động, đất đai, khí hậu để phát triển ngành nông lâm nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, tập trung, tạo thành vùng hàng hóa như lương thực, chuối, chè, cây cao su, rau an toàn, cá nước lạnh...Đặc biệt huyện đã phát triển cây cao su với diện tích 550,64 ha, kế hoạch năm 2014 trồng mới 280 ha, dần hình thành vùng cây cao su dọc các xã biên giới giáp sông Hồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát triển đàn đại gia súc. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có nhiều mô hình mới đang khẳng định được hiệu quả kinh tế như nuôi cá nước lạnh ở Y Tý, Dền Sáng…
Bát Xát còn được đánh giá là huyện giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản: Mỏ Sinh Quyền với trữ lượng địa chất trên 100 triệu tấn, là mỏ đa kim ngoài đồng còn có sắt, vàng, bạc, lưu huỳnh; 16 điểm mỏ sắt kéo dài dọc sông Hồng; 2 phân vùng mỏ của Apatit…và các mỏ khoáng sản khác như cao lanh, đất hiếm, sét xi măng, sét gạch ngói… Ngoài ra do địa hình huyện chia cắt với mạng lưới sông suối tương đối dày đặc nên có lợi thế phát triển thủy điện.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Bát Xát tương đối phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng nông lâm nghiệp chiếm 39,2 %, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 44,9%, thương mại dịch vụ chiếm 15,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,6 %/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,2 triệu người/năm.
Bát Xát là một trong 2 vùng phát triển công nghiệp của tỉnh Lào Cai với nhiều nhà máy như Mỏ tuyển đồng Sin Quyền và đang triển khai Khu Liên hợp Gang thép Lào Cai tại bản Qua và nhà máy luyện đồng 2. Trên địa bàn hiện có 10 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động và 3 nhà máy gạch tuynel với công suất trên 80 triệu viên/năm. Công tác nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua cũng đạt được nhiều kết quả thắng lợi. Những kết quả trên đạt được là nhờ Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng vùng.
Với mục tiêu phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huyện Bát Xát xác định phải tạo được bước chuyển mới trong nhận thức và hành động của cả cộng đồng, trong đó quan trọng nhất, trực tiếp nhất là các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai bài bản, đồng bộ tới lãnh đạo các phòng, ban, ngành, cơ sở.
Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng các quy hoạch có chất lượng, cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn; kêu gọi vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài huyện để tạo bước đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dần đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, thành lập doanh nghiệp.
Bình An
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI