LÂM ĐỒNG

Huyện Bảo Lâm: Phát huy thế mạnh nông nghiệp

11:04:08 | 15/12/2014

Sau gần 20 năm thành lập huyện Bảo Lâm chia tách từ thị xã Bảo Lộc, với xuất phát điểm rất thấp, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua huyện Bảo Lâm đã ưu tiên, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản, đa dạng hóa sản phẩm. Điều nay thể hiện sự quyết tâm của UBND Huyện tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội(KTXH) đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trong toàn huyện. Tạp chí Vietnam Business Forum xin giới thiệu nội dung trao đổi với ông Trương Hoài Minh – Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm. Hàn Lương  thực hiện.

 

Ông có thể điểm qua đôi nét về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Lâm?

 

Thời gian qua, Huyện đã triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH giai đoạn 2010-2015, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, ở Huyện có những khó khăn riêng như giá cả nông sản không ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu tăng, đã tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển KTXH của địa phương, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nổ lực khắc phục, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV nên đã được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như :Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 15,5%, trong đó ngành nông- lâm nghiệp tăng bình quân 7,13%, công nghiệp xây dựng tăng 35,5% và dịch vụ tăng 14,6%. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; ngành nông lâm nghiệp chiếm 46%, công nghiệp xây dựng 41,1% và dịch vụ 12,9%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 57 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm đạt 1.857 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí trên 1.756 tỷ đồng. Có 3 xã cơ bản đạt  các tiêu chí về nông thôn mới. 4 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Bên cạnh đó, luôn giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.

 

Để nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện đã và đang có những nỗ lực gì, thưa ông?

 

Địa bàn Huyện Bảo Lâm có diện tích cà phê trên 27.000 ha, diện tích cây chè trên 13.000 ha. Đây là 02 loại cây trồng chính trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Để nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản cà phê, chè, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong chương trình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh công tác ghép, cải tạo vườn cà phê kém chất lượng bằng các giống đầu dòng cho năng suất cao; tập trung chuyển đổi từ chè hạt sang chè cảnh cao sản và chè chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích được chuyển đổi 23.300 ha đạt 85% tổng diện tích cà phê cần chuyển đổi,  năng suất bình quân của diện tích thu hoạch đạt 3,5 tấn/ ha, sản lượng đạt 87.000 tấn/ năm. Nâng diện tích chè được chuyển đổi 6.800 ha đạt 51% tổng diện tích, năng suất bình quân của diện tích thu hoạch đạt 14 tấn/ ha, sản lượng đạt 180.000 tấn/ năm.

 

Song song đó, Huyện tập trung xây dựng quy hoạch các vùng chuyên canh, chú trọng sản xuất bền vững đối với 2 loại cây trồng chè, cà phê. Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là khâu chọn giống, chăm sóc cây trồng và bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hướng dẫn người dân thu hoạch sản phẩm đúng theo quy trình, áp dụng kỹ thuật mới trong khâu chế biến sản phẩm, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng. Đồng thời, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

 

Khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế thì việc thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người lao động. Tại huyện Bảo Lâm công tác thu hút đầu tư những năm qua gặt hái được những kết quả như thế nào,  thưa ông?

 

Ngoài việc thực hiện đầy đủ và vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của nhà nước theo hướng có lợi cho nhà đầu tư. Huyện cũng đã tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh các thủ tục cho nhà đầu tư trong thủ tục đăng ký kinh doanh phần huyện thực hiện: nhất là phối hợp công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến nay, các dự án như tổ hợp bauxite- nhôm; các công trình thủy điện Đồng Nai 3,4,5, Đam’Bri, ,…v.v đã triển khai xây dựng, hầu hết các dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp điện, khai khoáng của quốc gia; đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, một số ngành công nghiệp mà huyện có lợi thế như: chế biến nông sản, lâm sản, khai thác khoáng sản, chế biến phân bón tiếp tục duy trì sản xuất nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển, mở rộng nhà xưởng. Các ngành nghề truyền thống như; đan lát, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, dệt vải, may mặc, tăm đũa, mộc dân dụng,… phát triển nên đã thu hút, giải quyết  việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Toàn huyện có 84 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó có 49 đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản; 32 đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, 03 đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến phân bón. Bên cạnh đó huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư 2 nhà máy đánh bóng cà phê tại Lộc Thắng, thị trấn Lộc Thắng, 1 nhà máy chế biến chè tại xã Lộc Lâm, Lộc Phú, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại hồ Lộc Thắng trên 200 hecta mặt nước hồ.

 

Xin ông cho biết một số định hướng chiến lược và mục tiêu trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện trong những năm tiếp theo?

 

Định hướng chiến lược phát triển trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn năm 2015-2020 đó là : giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận trong nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đảm bảo quốc phòng-an ninh. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên, thu hút các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2015-2020 xứng đáng với vị thế là một trong 4 địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ngoài ra , Huyện cũng đã xác định 06 chương trình trọng tâm và 04 công trình trọng điểm để tập trung chỉ đạo, thực hiện đó là : chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tọc thiểu số, thu hút đầu tư huyện, giảm nghèo bền vững, và phát triển nguồn nhân lực. Đối với 04 công trình trọng điểm : vòng xoay ngã năm thị trấn Lộc Thắng, Nâng mực nước hồ Lộc Thắng và đường bào quanh hồ, Điểm công nghiệp thị trấn Lộc Thắng, Đường từ Quốc lộ 20 đến trung tâm xã Lộc Thành.

 

Cùng mục tiêu trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015-2020 : tốc độ tăng trưởng kinh tế ( giá 2010) bình quân hàng năm 9-10 %; trong đó nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 5-6 %, công nghiệp xây dựng tăng 25-26 %, dịch vụ tăng 15-16%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 900 triệu USD, Tổng vốn đâu tư toàn xã hội 5 năm đạt 5.000 tỷ đồng. Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm cho 3.000 lao động.