THÁI BÌNH

Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp

14:24:03 | 9/6/2016

Trong những năm qua tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh và các nhà đầu tư, qua đó góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi,thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với việc xác định ngành, nghề đào tạo ngày càng phù hợp với nhu cầu của người lao động và đào tạo hướng theo nhu cầu của doanh nghiệp nên tỉ lệ có việc làm sau đào tạo ngày càng tăng.Ông Nguyễn Văn Bái - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh cho biết để đạt chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong năm 2015, toàn tỉnh Thái Bình tạo việc làm cho 32.500 người (đạt 100% kế hoạch năm, bằng 100,6% so với năm 2014), trong đó tạo việc làm tại chỗ cho 25.549 người, cung ứng lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 4.151 người, xuất khẩu lao động đi nước ngoài 2.800người. Qua 4 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh tạo việc làm cho 9.457 người (đạt 29% kế hoạch năm), trong đó giải quyết việc làm tại chỗ cho 7.413 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 1.649 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 395 người. Giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 1.025 trường hợp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở dạy nghề, trong đó 2 trường cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp nghề và 17 trung tâm dạy nghề, ngoài ra còn có các cơ sở khác tham gia dạy nghề. Trong thời gian qua ngành LĐTB&XH tỉnh đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, phát triển mạng lưới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy nghề và quy mô, chất lượng lao động qua đào tạo nghề. Theo đó, năng lực dạy nghề của hệ thống cơ sở dạy nghề ở tỉnh liên tục tăng trưởng. Điều đáng chú ý là các cơ sở dạy nghề bố trí đều khắp ở khu vực thành thị tới nông thôn, đảm bảo cơ bản cho việc đào tạo nghề.

Qua thực hiện dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" và Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thái Bình đã tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp cấp huyện để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề luôn được chú trọng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn theo quy định; từng bước đáp ứng về quy mô, yêu cầu đào tạo nghề của tỉnh.Năm 2015, toàn tỉnh tuyển mới dạy nghề cho 34.000 người (đạt 100% kế hoạch năm, bằng 100,6% so với năm 2014), trong đó: trình độ cao đẳng nghề 2.500 người, trung cấp nghề 5.200 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 26.300 người (trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 8.300 lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ). Tỷ lệ lao động cuối năm 2015 đạt 41,5%.

Đón đầu trước làn sóng nhà đầu tư mới sẽ tới Thái Bình, trong thời qua, Sở đã tổ chức mời các buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp - người lao động - các trường đào tạo nghề để hướng tới đào tạo nghề theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là hướng đi mới và đúng đắn giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với lĩnh vực đầu tư; người lao động khi học nghề xong sẽ có việc làm ngay, thu nhập cao và ổn định; quảng bá các cơ sở đào tạo nghề có uy tín để học viên lựa chọn./.

Ngô San