Trong thời gian qua, nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Thuận cùng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Hàm Thuận Nam đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kì 2011 – 2015. Cụ thể, Huyện ủy, UBND huyện đã đạt thành tích trong thu chi ngân sách, đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu hàng năm 20%. Tiếp bước những thành công trên, huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: cải cách hành chính; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống… theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nhiều khởi sắc
Sau hơn 30 năm kể từ ngày thành lập (01/6/1983), huyện Hàm Thuận Nam (HTN) đã có những bước phát triển và gặt hái được nhiều thành công. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp – dịch vụ; giảm dần ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm là 12,84%; trong đó, ngành nông - lâm thủy sản tăng trưởng 11,43%, công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 12,15%, dịch vụ tăng trưởng 16,9%. Đến nay, HTN có nhiều bước chuyển mình và trở thành địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư.
Lợi thế về vị trí địa lý, HTN tiếp giáp với thành phố Phan Thiết, có hệ thống giao thông đa dạng với đường bờ biển kéo dài, Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện tạo điều kiện cho HTN phát triển tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp – dịch vụ.
Những yếu tố trên là cơ sở để huyện HTN đẩy mạnh phát triển kinh tế đúng hướng, lấy công nghiệp – dịch vụ làm trọng, nông nghiệp theo chiều sâu; từng bước vươn lên trở thành huyện phát triển năng động của tỉnh. Năm 2015, tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên 412.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 60.000 lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 170 tỷ đồng. Nhắc đến du lịch của Hàm Thuận Nam không thể không nhắc đến 02 thắng cảnh là hải đăng Kê Gà và chùa núi Tà Cú, là những thắng cảnh vừa có nét đẹp tự nhiên, vừa có nét đẹp tượng trưng cho lịch sử của huyện. Ngọn hải đăng Kê Gà cao và cổ xưa nhất Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung. Hàng năm, Hải đăng Kê Gà đón từ 10.000 đến 12.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Chùa núi Tà Cú đã được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục tượng Phật nhập Niết bàn trên núi dài nhất châu Á. Bên cạnh đó, du lịch biển là thế mạnh của HTN với đường bờ biển dài gần 24km, đây là một thuận lợi để phát triển khu du lịch ven biển gắn với các môn thể thao yêu thích như: lướt ván , lướt sóng, bơi lặn... tạo nên một khu du lịch nghỉ dưỡng có sự gắn kết giữa du lịch sinh thái biển với du lịch sinh thái đồi núi, giữa văn hóa truyền thống với văn hóa tâm linh. Đó là thế mạnh thiên nhiên ưu đãi giúp cho HTN thu hút các nhà đầu tư. Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển thế mạnh này, trong đó có khu du lịch cộng đồng Suối Nhum, khu dịch vụ du lịch ven kè biển và cầu cảng du thuyền Mũi điện Kê Gà. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các điểm du lịch vùng Sông Móng – Kapét, Đá Bàn ở xã Hoàng Cầm,… hình thành các cụm du lịch và gắn kết các vùng với nhau”.
Mở cửa đón nhà đầu tư
Song song với phát triển du lịch, HTN cũng đã hình thành và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN Hàm Kiệm I và II với quy mô gần 600 ha. Bên cạnh đó, HTN đang hoàn thành quy hoạch CCN tại xã Tân Lập để kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án tiểu thủ công nghiệp, sản xuất gốm và vật liệu xây dựng với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Ông Diệp cho biết thêm: “Vấn đề kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại KCN – CCN luôn được quan tâm xây dựng hàng đầu, đặc biệt là công trình đường giao thông, hệ thống xử lí nước thải, xây dựng cảnh quan KCN… hướng tới xây dựng mặt bằng tốt, giá thuê rẻ nhất trong khu vực”. Nhờ sự nỗ lực này, đã có nhiều nhà đầu tư tới KCN để tìm hiểu và triển khai các dự án trên địa bàn huyện. Có thể kể đến các dự án của Công ty CP xây dựng Bảo Linh , Công ty CP thực phẩm Hồng Phú , Công ty CP đầu tư Bình Tân, Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân,…
Để thu hút các nhà đầu tư, HTN đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng vẫn đảm bảo khung pháp lý trên tất cả các lĩnh vực của huyện. Ông Diệp nhấn mạnh, HTN đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đến nay đã duy trì được nề nếp, thông suốt, giải quyết TTHC cho tổ chức và người dân một cách nhanh chóng và kịp thời, đúng pháp luật. Đến nay, đã có 3/13 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; 13/13 xã, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất các các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoàn thiện TTHC trong quá trình đầu tư vào địa bàn huyện.
Để phát triển kinh tế, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, xây dựng các công trình thiết yếu trên từng địa bàn như: các dự án thương mại, dịch vụ hệ thống giao thông, công viên, công trình văn hóa, hệ thống cấp thoát nước,….tiếp tục hoàn thành vượt mức 3.000 tỷ đồng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Đào Trọng Trang
Từ 8:00 ngày 29/09/2023
Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.