BÌNH THUẬN

Đảm bảo mạng lưới giao thông thuận lợi, thông suốt, an toàn

10:53:44 | 10/9/2019

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, những năm gần đây Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bình Thuận đã tham mưu Bộ GTVT, UBND tỉnh chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng một số công trình giao thông quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH của địa phương.

Hệ thống giao thông đối ngoại của Bình Thuận chủ yếu dựa trên 4 tuyến QL (QL1, QL55, QL28, QL28B) và một số tuyến đường tỉnh; trong đó quan trọng nhất là tuyến QL 1 (181,4 km) qua địa bàn tỉnh. Đến nay đoạn tuyến từ giáp ranh tỉnh Ninh Thuận đến Hàm Thuận Nam (Km1720+800) đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường từ 2 làn lên 4 làn xe cơ giới và cải tạo mặt đường, xử lý các điểm mất an toàn giao thông các đoạn tuyến còn lại. Hiệu quả mang lại rất rõ rệt, tốc độ xe lưu thông trên tuyến QL 1 tăng đáng kể, rút ngắn thời gian đi lại, đặc biệt là từ Tp.HCM đến Phan Thiết; du khách đến Bình Thuận nhiều hơn, tạo cơ hội thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuyến QL 55 đã đưa vào khai thác 104 km đoạn tuyến từ Ngã ba 46, huyện Hàm Tân đến TX.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; góp phần thúc đẩy giao thông, thương mại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng; đặc biệt tạo điều kiện phát triển KT - XH các xã có đồng bào dân tộc sinh sống.

Riêng tuyến QL 28, 28B được Bộ GTVT quan tâm, bố trí nguồn vốn bảo trì đường bộ TW để thực hiện sửa chữa, đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn. Tạo động lực cho tam giác du lịch Tp.HCM - Lâm Đồng - Bình Thuận. Đặc biệt QL 28B còn là trục đường kết nối đến KCN chế biến sâu titan Sông Bình, tạo điều kiện cho KCN này phát triển.

Đối với một số tuyến đường tỉnh quan trọng, thực hiện vai trò giao thông đối ngoại như: ĐT720, ĐT.766, ĐT.712, ĐT.714, ĐT.718...cũng từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, duy tu bảo trì thường xuyên, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa - nông lâm sản, làm thay đổi diện mạo nông thôn và góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH tỉnh nhà.

Đối với tuyến giao thông đường thủy, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác bến 3.000 tấn từ tháng 7/2017 và bến 50.000 tấn từ tháng 4/2019, kết hợp với Cảng vận tải Phan Thiết và Cảng Phú Quý đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh và các địa phương lân cận. Tỉnh cũng đã đưa vào hoạt động 3 tàu cao tốc trên tuyến vận tải đường biển từ Phan Thiết đến đảo Phú Quý và ngược lại; nâng số lượng tàu hoạt động trên tuyến lên 6 tàu, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Song song đó hệ thống giao thông đối nội cũng được tỉnh quan tâm, đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết để từng bước hoàn thành tuyến đường chiến lược ven biển quốc gia qua địa bàn tỉnh, năm 2016 Bình Thuận đã đưa vào khai thác đường ven biển đoạn Hòa Thắng - Hòa Phú. Đây là cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư vào khu vực có quỹ đất rộng lớn, nhiều tiềm năng phát triển du lịch và đặc điệt là bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực. Ngoài ra tỉnh còn tập trung phát triển giao thông đô thị, nhất là đô thị Phan Thiết với các công trình đường Lê Duẩn, đường Hùng Vương, đường nối từ cầu Hùng Vương đến đường ĐT706B, đường vào Sân bay Phan Thiết…; qua đó vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị loại 2 vừa tạo mỹ quan cho trung tâm hành chính của tỉnh, thúc đẩy phát triển KT - XH với mũi nhọn là ngành du lịch biển, từng bước đầu tư xây dựng và hình thành Trung tâm du lịch cấp Quốc gia.

Cũng theo ông Hải, một trong những hạn chế của hệ thống hạ tầng giao thông Bình Thuận nằm ở giao thông đối ngoại khi đến nay tỉnh vẫn chưa có đường cao tốc, chưa có sân bay; ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút du khách cũng như mục tiêu phát triển Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch Thể thao biển mang tầm quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong bối cảnh đó, việc sớm đầu tư đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Bắc Nam qua địa bàn tỉnh (bao gồm 3 đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) và Cảng hàng không Phan Thiết trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh. Hiện Bình Thuận đang tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định, làm cơ sở triển khai thi công xây dựng các công trình giao thông đối ngoại trọng điểm này.

Công Luận