16:39:28 | 6/9/2017
Được xác định là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Bình Thuận và là đô thị nằm trên trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia (Quốc lộ 55), thị xã La Gi đã và đang tập trung phát triển những ngành kinh tế chủ lực dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cũng như không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm phát huy tốt vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng phát triển, sớm đưa La Gi vươn lên trở thành đô thị loại III của tỉnh.
Tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực
Sau khi được công nhận là đô thị loại IV từ năm 2005, đến nay thị xã La Gi không ngừng tập trung xây dựng và phát triển đô thị để đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020, theo hướng là đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch phía Nam của tỉnh Bình Thuận. Cơ cấu kinh tế của thị xã từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, năng lực tàu cá, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và đầu tư tăng khá. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.260 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu thực hiện 93 triệu USD, sản lượng hải sản khai thác được 61.800 tấn,...
Ngoài ra, thị xã La Gi cũng tiếp tục tăng cường đầu tư cho ngành kinh tế chủ lực mà địa phương có lợi thế như đánh bắt, khai thác, chế biến thủy sản, đầu tư vào thương mại, dịch vụ,… Năm 2016, thị xã đã duy trì được 79 tổ/884 tàu tham gia Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, thực hiện hỗ trợ cho các tàu cá hoạt động xa bờ theo quyết định của Chính phủ; đóng mới 12 tàu thuyền với tổng công suất 6.885 CV, đạt 120% kế hoạch đề ra; giải ngân nguồn vốn cho 9 tàu thuyền của địa phương theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số tiền đạt gần 59 tỷ đồng. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, chất lượng phục vụ du khách được các đơn vị kinh doanh du lịch quan tâm cải thiện và giữ vững. Đồng thời, trong năm qua, toàn thị xã cũng có thêm 25 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 369 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 1.666 tỷ đồng, chưa kể có 4.423 hộ với số vốn đăng ký kinh doanh 530 tỷ đồng.
Ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã cho biết, năm 2017, thị xã La Gi đề ra mục tiêu sản xuất công nghiệp đạt giá trị 1.250 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt 94 triệu USD, sản lượng khai thác hải sản đạt 62.000 tấn, nâng năng lực tàu thuyền toàn thị xã lên 1.900 chiếc/công suất 316.000 CV,... Để hoàn thành mục tiêu, thị xã định hướng tập trung tháo gỡ khó khăn sớm hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ và triển khai đầu tư khu đóng sửa tàu thuyền Bình Tân, Khu chuyển tải sông Dinh và các dự án du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản của Chính phủ; khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển; chủ động trong phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh từ các ngành nghề có lợi thế của địa phương; triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các chợ La Gi, Tân Thiện và chợ các xã xây dựng nông thôn mới. Trong lĩnh vực du lịch, thị xã tiến hành thực hiện quy hoạch, sắp xếp kinh doanh và đầu tư các điểm du lịch cộng đồng; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của du khách.
Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng
Với định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ lực, thị xã La Gi thời gian qua cũng đã tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế. Tính đến năm 2016, đã có 99 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích 1.054,737 ha, tổng vốn đăng ký 5.687,125 tỷ đồng (trong đó có 48 dự án du lịch; 23 dự án công nghiệp –TTCN; 20 dự án thương mại – dịch vụ). Hiện đã có 40/99 dự án đi vào hoạt động.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đa dạng hóa các thành phần và hình thức đầu tư phát triển hạ tầng, lĩnh vực lợi thế, tiềm năng phát triển. Theo đó, thị xã chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính mà trước hết là thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, góp phần tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi đầu tư. Tích cực hỗ trợ, tuyên truyền tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước, luôn đồng hành với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, đồng thời tăng cường công tác thông tin cho doanh nghiệp về tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thị trường trong và ngoài nước để doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, lãnh đạo thị xã sẽ tiến hành rà soát quy hoạch phát triển du lịch, phát triển các khu, cụm công nghiệp để quản lý tốt quỹ đất trong việc kêu gọi đầu tư, sắp xếp chuyển đổi dự án; kiến nghị cấp phép đầu tư kết hợp với cam kết đầu tư. Thị xã sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xong dự án khu Thương mại - Dịch vụ - Dân cư 02 bên đường số 4 (đường N2), phấn đấu đến năm 2020 triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành giai đoạn I nhằm khai thác quỹ đất cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của thị xã, qua đó đẩy nhanh phát triển đô thị hóa. Cùng với đó, từ nay đến năm 2020, thị xã phấn đấu lấp đầy 80% diện tích cụm công nghiệp Tân Bình I, 90% diện tích cụm công nghiệp Tân Bình II; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp La Gi và dự án khu đóng sửa thuyền Bình Tân; tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để nâng cấp mở rộng quốc lộ 55, tỉnh lộ 719, tuyến giao thông ven biển; hoàn thiện hệ thống kè ở những vị trí xung yếu bị biển xâm thực sông Dinh, sông Phan; nâng cấp cảng cá cửa biển La Gi gắn với nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật nghề cá,...
Trường Thành