Du lịch được tỉnh Bình Thuận xác định là một trong những lợi thế và là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020, ngành "công nghiệp không khói" nơi đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và vươn lên gặt hái những thành tựu đáng kể trên tất cả các phương diện. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh – ông Ngô Minh Chính đã chia sẻ cụ thể hơn với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum về thành công này. Công Luận thực hiện.
Thưa ông, đâu là những đổi mới của diện mạo du lịch Bình Thuận từ sau Nghị quyết 09-NQ/TU?
Trong 3 năm qua, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ngành Du lịch không ngừng được đầu tư, tăng trưởng; các dịch vụ du lịch phát triển đa dạng; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được quan tâm đầu tư; nhận thức về du lịch có bước chuyển biến rõ rệt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 12,88%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 13,92%/năm. Du khách quốc tế đến Bình Thuận chiếm từ 11-12%, có cơ cấu khá ổn định. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 19,25%/năm. Bình quân công suất sử dụng phòng toàn tỉnh đạt khoảng 58-59%. Năm 2017, GRDP du lịch đạt 8,51% trên tổng GRDP của tỉnh và năm 2018 ước đạt 9,86%.
Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH của đất nước, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của thời đại. Quá trình hình thành và phát triển của du lịch Bình Thuận là cả một chặng đường dài; là cả một sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân; sự ủng hộ của các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đã đến góp sức cho sự phát triển của du lịch Bình Thuận. Đặc biệt để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên là nhờ sự quan tâm và đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đổi mới, mở cửa và hội nhập; với các chủ trương, chính sách, định hướng, giải pháp chiến lược phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của thời đại. Hình ảnh, vị thế của Bình Thuận không ngừng được cải thiện và nâng cao trong cả nước và trên trường quốc tế, tạo đà tích cực cho du lịch phát triển.
Ngoài thế mạnh về điều kiện khí hậu, biển, cảnh quan thiên nhiên thì đâu là các yếu tố quan trọng giúp du lịch Bình Thuận ngày càng thu hút đông du khách đến trải nghiệm? Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1772/QĐ - TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDL Quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây có được xem là động lực phát triển mới cho du lịch Bình Thuận không?
Bình Thuận ngoài nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn với biển, đảo và rừng tự nhiên còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng với nhiều di tích lịch sử - văn hoá độc đáo và các lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, ẩm thực Bình Thuận cũng rất phong phú, đa dạng với nhiều đặc sản nổi tiếng, thu hút du khách như: mực một nắng, bánh xèo thịt vịt, gỏi cá mai, dông, nước mắm, thanh long...
Quyết định số 1772/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa là động lực cũng là thách thức cho sự phát triển du lịch tỉnh nhà thời gian đến. Việc phê duyệt Quy hoạch KDL Quốc gia Mũi Né là cơ sở để tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch trong tương lai với mục tiêu trở thành một điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với lượng khách đến năm 2025 đạt 9 triệu lượt khách (khách quốc tế 1,5 triệu lượt), năm 2030 đạt 14 triệu lượt khách (khách quốc tế 2,5 triệu lượt).
Để du lịch Bình Thuận phát triển mạnh, vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm rút ngắn thời gian di chuyển; thu hút các nhà đầu tư tiềm năng để đầu tư các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế được tỉnh chú trọng ra sao?
Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thúc đẩy triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đường cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Riêng Cảng vận tải Phan Thiết được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đảm bảo duy trì giao thông thông suốt, ổn định từ Tp.Phan Thiết đến huyện đảo Phú Quý với 8 tàu khách (3 tàu cao tốc, 1 tàu trung tốc, 4 tàu tốc độ bình thường). Tỉnh cũng thực hiện nâng cấp tuyến đường sắt nhằm góp phần gia tăng lượng khách đến Bình Thuận; tích cực kêu gọi đầu tư các loại hình vận tải phục vụ du khách như thủy phi cơ, du thuyền...; nghiên cứu khai thác tuyến đường thủy từ Phan Thiết đi Tp.HCM và các tỉnh lân cận.
Để triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bình Thuận đã nỗ lực kêu gọi xúc tiến đầu tư và bước đầu đã thu hút được dòng vốn đầu tư mới là những nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch như: Tập đoàn FLC, Novaland, TMS, TTC...với tổng vốn đầu tư của mỗi dự án trên 10.000 tỉ đồng. Theo định hướng của Quy hoạch phát triển KDL Quốc gia Mũi Né, các dự án trên đều là những tổ hợp, khu phức hợp du lịch cao cấp, trong tương lai sẽ cung ứng cho thị trường những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển cao cấp và hàng loạt các dịch vụ du lịch cao cấp khác. Đây chính là tiền đề để thu hút có chọn lọc các phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.
Ngoài thế mạnh về điều kiện khí hậu, biển, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn thì con người cũng như văn hóa vùng biển là yếu tố quan trọng nhất giúp du lịch Bình Thuận ngày càng thu hút du khách. |
Để phát triển du lịch Bình Thuận thành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo như mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra, thời gian tới toàn ngành sẽ tập trung vào những trọng tâm nào?
Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển KDL Quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch KDL Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và triển khai Đề án sau khi phê duyệt.
Ngoài ra toàn ngành tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến quảng bá thương hiệu để đưa thương hiệu du lịch Bình Thuận trở thành điểm đến mang tầm quốc tế. Phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; khuyến khích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng của Bình Thuận. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để đưa các dự án đi vào hoạt động.
Trân trọng cảm ơn ông!
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc