Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hà Nam, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm làm trong sạch địa bàn quản lý. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Hà Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Hà Nam
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động của Cục QLTT tỉnh năm 2022?
Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hà Nam trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, Cục QLTT đã tham mưu triển khai đến các sở, ngành thành viên theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Kết quả, lực lượng QLTT đã phối hợp với công an kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, đã phát hiện 49 vụ vi phạm, trong đó chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 01 vụ, 01 vụ đang tiếp tục điều tra, xác minh; xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 1.273.968.000 đồng; tịch thu và buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Cụ thể:
Phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện ký cam kết với 07 thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các tuyến tỉnh, huyện, thành phố trong trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu. Kết quả: Tại tuyến tỉnh, kiểm tra 63 cơ sở, xử lý 10 cơ sở kinh doanh các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, phạt tiền 27.000.000 đồng; tại tuyến huyện, kiểm tra 117 cơ sở, xử lý 12 cơ sở vi phạm; thu phạt nộp ngân sách nhà nước 41.500.000 đồng.
Phối hợp tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phối hợp tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế và cơ sở thực hiện dịch vụ test nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SAR-CoV-2 trong phòng, chống dịch Covid-19 tại địa bàn thành phố Phủ Lý và huyện Kim Bảng. Kết quả: Kiểm tra đối với 37 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 07 cơ sở, thu phạt nộp ngân sách nhà nước 35.500.000 đồng.
Hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường Hà Nam năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
Năm 2023, Cục QLTT sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Để góp phần ổn định thị trường hàng hóa lưu thông, chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao và các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại. Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng, bến bãi, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,…
Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực. Xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vi phạm.
Chỉ đạo các Đội QLTT xây dựng kế hoạch phù hợp, đảm bảo tại trụ sở làm việc của Đội mỗi ca trực phải đảm bảo đủ lực lượng để thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Duy trì đường dây nóng 24/7 tại từng địa bàn để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác vi phạm từ nhân dân, thực hiện xử lý thông tin tiếp nhận theo quy định.
Thực hiện tuyên truyền về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Cục QLTT thực hiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT, số hóa theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và tỉnh Hà Nam về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 đạt kết quả thế nào, thưa ông?
Thực hiện theo Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy Hà Nam về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chương trình số hóa theo chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Hà Nam từng bước đẩy mạnh ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động công vụ. Cụ thể:
Ban hành Quyết định số 49/CQLTT ngày 18/02/2022 về việc duy trì, cải tiến và mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 năm 2022; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo quy định.
Tích cực trong ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ. Mỗi công chức của đơn vị được cấp 01 tài khoản duy nhất và có quyền truy cập, sử dụng tất cả các phần mềm trên hệ thống.
Thực hiện thanh toán tiền lương, các khoản chi khác cho cá nhân hoặc các khoản chi dịch vụ mua ngoài bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản, không sử dụng tiền mặt để giao dịch. Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền cán bộ công chức trong đơn vị cài đặt các phần mềm tích hợp thông tin về bảo hiểm xã hội như: VSSID; phần mềm ứng dụng định danh điện tử,… Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ đã giúp giảm thiểu thời gian, chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.
Cùng với tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Cục QLTT tỉnh Hà Nam cũng chú trọng nâng cao chất lượng công chức về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ, kỹ năng,… góp phần hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại, thân thiện, minh bạch theo mục tiêu của tỉnh.
Để cải thiện Chỉ số PCI 2022, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND ngày 16/8/2021. Đối với những chỉ số thành phần liên quan đến hoạt động của Cục QLTT như: Chi phí gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức,… ông có quan điểm chỉ đạo như thế nào?
Cục QLTT xác định 03 nhiệm vụ cơ bản của lực lượng, góp phần cải thiện chỉ số thành phần về chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức đối với các doanh nghiệp tại địa bàn.
Một là, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết cho các chủ thể kinh doanh, tuân thủ đúng các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thanh tra tỉnh rà soát chồng chéo, trùng lắp đối tượng kiểm tra trong việc xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp quá 01 lần/năm. Hàng năm, Cục QLTT gửi danh sách các tổ chức dự kiến kiểm tra sang cơ quan Thanh tra tỉnh và cập nhật danh sách lên phần mềm quản lý thanh tra, kiểm tra của tỉnh; sau khi có kết quả xử lý chồng chéo, trùng lắp, chỉ đạo thực hiện thanh, kiểm tra theo đúng danh sách đối tượng và nhiệm vụ được giao.
Ba là, chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với giám sát việc thực hiện, chấp hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 13/CT/BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng QLTT. Công khai, minh bạch hoạt động của đơn vị, các chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm, giám sát các hoạt động công vụ bên ngoài cơ quan của công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc