Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Bùi Đức Thái - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam |
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên 46.065 tỷ đồng, tăng 10,82% so với năm 2021. Hà Nam trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 12 cả nước. Đóng góp vào thành công này có vai trò không nhỏ của ngành Tư pháp trong các hoạt động liên quan đến xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Ông Bùi Đức Thái - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, ngành Tư pháp tỉnh đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai công việc theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, sát với điều kiện thực tế.
Trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), ngành đã chủ động tham mưu, đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Tăng cường công tác truyền thông phổ biến chính sách pháp luật, chủ động thông tin tuyên truyền ngay từ khâu soạn thảo văn bản; đổi mới công tác xây dựng pháp luật;… Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức thẩm định 123 dự thảo văn bản QPPL; đóng góp 124 dự thảo văn bản; rà soát đối với 315 văn bản QPPL. Qua rà soát đã kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 65 văn bản,…
Thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ về Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các kế hoạch, quy định hỗ trợ của tỉnh, ngành thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các văn bản QPPL, sau rà soát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản không phù hợp với quy định pháp luật cấp trên và tình hình thực tế địa phương, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp. Ngoài ra, phối hợp với Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp 585 (Bộ Tư pháp) tổ chức nhiều hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo tính thống nhất, tạo môi trường pháp lý cởi mở, thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thu hút đầu tư, Sở đã tích cực tham mưu và triển khai các giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành như: Thực hiện tốt các văn bản QPPL do Trung ương ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thường xuyên phối hợp rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL cho phù hợp; chú trọng văn bản, thể chế để thu hút đầu tư, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển,... tạo hệ thống văn bản QPPL đồng bộ phục vụ công tác quản lý, điều hành kinh tế ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp nói riêng; nâng cao hiểu biết về pháp luật để các chủ thể kinh doanh tuân thủ các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp và có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích khi tham gia sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, Chỉ số PCI, đặc biệt là Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” của tỉnh Hà Nam luôn được cải thiện, có thứ hạng cao và có xu hướng bền vững.
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tham mưu, tập trung thực hiện các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời phổ biến, quán triệt các cán bộ, công chức gắn thực hiện các chỉ số thành phần với việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh nhà.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI