Năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hà Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, không chỉ khẳng định vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Trần Mạnh Toàn, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Nam |
Nhiều giải pháp đồng bộ
Tính đến hết năm 2022, Hà Nam có 177.835 người tham gia BHXH, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tăng 9.415 người, bằng 105,6% so với năm 2021. Tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 39%. Toàn tỉnh có 800.990 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 14.748 người so với năm 2021. Tỷ lệ bao phủ BHYT là 92,2% dân số (tăng 1,2% so với năm 2021); vượt 0,2% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định 546/QĐ-TTg. Hà Nam nằm trong Top những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển BHXH tự nguyện. Ngoài ra, số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 3.656 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tăng 381 tỷ đồng, bằng 112% so với năm 2021; thực hiện cấp 31.756 sổ BHXH cho người lao động; cấp 307.048 thẻ BHYT cho người tham gia kịp thời, đúng quy định. Tổng số tiền chi lương hưu, trợ cấp BHXH là 2.715 tỷ đồng, tăng 233 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,4% so với năm 2021;…
Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2022, BHXH tỉnh đã chủ động thực hiện rà soát, phân bổ kế hoạch thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên cơ sở kế hoạch giao của UBND tỉnh, BHXH Việt Nam và tiềm năng thực tế của địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các huyện, thị xã ký hợp đồng và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với hệ thống dịch vụ thu. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; lập danh sách các đơn vị đang nợ BHXH, BHYT để báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, các ngành chức năng có biện pháp xử lý. Song song với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đi vào cuộc sống. Nội dung, hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, kết hợp giữa hình thức truyền thống với các hình thức mới như mạng xã hội Fanpage Facebook, Zalo,…
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Việc triển khai ứng dụng VssID - BHXH số từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành nói chung và BHXH tỉnh Hà Nam nói riêng. Đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh có trên 148.000 lượt cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, BHXH tỉnh đã thực hiện công khai các thủ tục hành chính (TTHC) trên trang thông tin điện tử và niêm yết tại Bộ phận một cửa của cơ quan BHXH tỉnh và BHXH huyện, thị xã. Đồng thời, triển khai ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, nghiệp vụ. Phối hợp với Bưu điện tỉnh đa dạng, linh hoạt các phương thức tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng. Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06) của Chính phủ, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản về việc kê khai số Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, số định danh cá nhân đối với người tham gia BHXH, BHYT gửi đến các đơn vị sử dụng lao động; UBND xã, phường, thị trấn; phối hợp đề nghị người tham gia BHXH, BHYT, BHTN kê khai số CCCD hoặc số định danh cá nhân để cơ quan BHXH nhập vào cơ sở dữ liệu. Tính đến ngày 31/12/2022, số lượng thẻ BHYT tại tỉnh Hà Nam đã đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư là 617.913 người; có 100 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng CCCD (đạt tỷ lệ 85%). Tiếp nhận, giải quyết 784 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT trẻ em; 37 hồ sơ đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Trần Mạnh Toàn, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2023, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Giải quyết kịp thời, chính xác các chế độ BHXH, BHTN; chi trả lương hưu, trợ cấp, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, BHXH tỉnh Hà Nam đã điều chỉnh giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 3.158 đơn vị (tương ứng 126.695 lao động) với số tiền là: 38,3 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 02 đơn vị (tương ứng 438 lao động) với số tiền là: 2 tỷ đồng; giảm mức đóng vào quỹ BHTN cho 2.945 đơn vị (tương ứng 138.976 lao động) với số tiền là: 60,5 tỷ đồng,... |
Ngoài ra, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả với phương châm: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC; tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, phối hợp thực hiện các nội dung triển khai Đề án số 06; đẩy mạnh cài đặt ứng dụng VssID cho người tham gia BHXH, BHYT.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI