Trong những năm gần đây, với quyết tâm đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Thuận đã luôn chú trọng vào những hướng đi mang tính động lực, đặc biệt là đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng. Tiếp nối những thành công này, Ngành đã và đang từng bước tháo gỡ các vướng mắc, phát triển các loại kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới trên từng khu vực, địa bàn, theo hướng bền vững và đồng bộ.
Những khởi sắc ấn tượng
Như ông Nguyễn Quốc Nam - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đánh giá, thời gian qua, công tác CCTTHC của Ngành đã được Lãnh đạo Sở quan tâm, chỉ đạo, góp phần tạo sự thuận lợi trong việc tiếp cận, thực hiện TTHC của mọi tầng lớp xã hội. Cụ thể, khoảng giữa giai đoạn 2020 – 2025, Ngành đã có tổng cộng 105 TTHC (bao gồm 08 TTHC do Ngành Xây dựng và Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố thuộc thẩm quyền Sở GTVT giải quyết) đều được rà soát, tinh gọn thành phần, điều kiện thực hiện TTHC. Đa số các TTHC đều được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định ban đầu của pháp luật (có nhiều TTHC có thời gian giải quyết và trả kết quả là 02 ngày làm việc kể từ lúc tiếp nhận). Có tổng cộng 53/58 TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình được đưa vào phục vụ tổ chức và người dân, Ngành cũng đưa vào thực hiện thí điểm 01 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh.
Thành phố Phan Thiết đẹp hơn nhờ các tuyến giao thông
Đặc biệt, tháng 8/2023, Ngành đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Bình Thuận tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trực tiếp, trực tuyến qua dịch vụ Bưu chính công ích, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Cũng trong năm 2023, Ngành đã triển khai thực hiện thành công việc thanh toán phí lệ phí tuân thủ TTHC trên hệ thống trực tuyến, góp phần thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Bình Thuận nói chung và của Ngành Giao thông vận tải nói riêng, từng bước góp phần thúc đẩy mạnh Chính phủ điện tử.
Không chỉ vậy, cùng với sự vươn lên vượt bậc của vùng nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển đáng kỳ vọng. Trong đó giao thông đối ngoại được xem xét đầu tư, nâng cấp một số tuyến trọng yếu, góp phần cải thiện năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, phục vụ tốt cho phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan trọng nhất là đường bộ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh dài 160,3 km, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến chính đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (ngày 29/4/2023) và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (ngày 19/5/2023). Các tuyến giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ đã được UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đầu tư. Phần quân sự do Bộ Quốc phòng quyết định đầu tư trong Dự án Cảng hàng không Phan Thiết đang triển khai thi công (đạt trên 90% khối lượng công việc)...
Cảng Quốc tế Vĩnh Tân
Song song với đó, công tác triển khai thủ tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện quan trọng, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông đối ngoại được triển khai đã tạo sự kết nối vùng, liên vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cũng như đã huy động các nguồn lực đầu tư các cảng biển, trong đó cảng vận tải Phan Thiết đã hoàn thành các hạng mục phục vụ tiếp nhận tàu khách tuyến Phan Thiết – Phú Quý đi vào hoạt động kể từ tháng 02/2018. Kết hợp với cảng vận tải Phan Thiết và cảng Phú Quý đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
“Với đà phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp và kết quả CCHC trong những năm gần đây ở tỉnh Bình Thuận bước đầu đã tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp. Cùng những dự án trọng điểm trên khi hoàn thành dự kiến sẽ mang lại nhiều giá trị lớn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển toàn diện kinh tế xã hội trên địa bàn” – Ông Nguyễn Quốc Nam nhận định.
Từng bước nâng cao hiệu lực
Bên cạnh những thành công của Ngành, ông Nguyễn Quốc Nam chia sẻ từ nay đến năm 2025, Ngành cũng đã đề ra những mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể là triển khai các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phan Thiết, hoàn thiện Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né…. Cũng như kiến nghị các Bộ, ngành xem xét hỗ trợ nguồn vốn Trung ương để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ qua địa bàn. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn ở những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh theo quy hoạch.
Cảng Hàng Không Phan Thiết
Bên cạnh đó, hàng năm căn cứ kết quả đánh giá chỉ số CCHC của tỉnh, Ngành đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI). Cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm các vi phạm.
Có thể nói, cơ hội và thách thức đối với ngành GTVT trong thời gian tới là không nhỏ. Đặc biệt, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến mỗi quốc gia, mỗi ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, ngành GTVT cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Để biến những thách thức thành cơ hội đưa Ngành phát triển và hội nhập thì không còn cách nào khác, GTVT phải “đi trước đón đầu” trên nền tảng công nghiệp 4.0. Song song với đó, Ngành cần tích cực, khẩn trương hơn trong công tác kiểm tra, khắc phục những khó khăn, sớm hoàn thành những công trình trọng điểm như dự kiến, chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, phục vụ phát triển kinh tế.
Luận Nguyễn (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI