BẾN TRE

Du lịch Bến Tre: Tiềm năng chờ được đánh thức

15:47:09 | 24/3/2011

Chủ động khai thác lợi thế về văn hóa, du lịch để tạo đà cho ngành này phát triển ở Bến Tre, qua đó đóng góp xây dựng cho quê hương “Đồng khởi” ngày một giàu mạnh – ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bến Tre khẳng định điều đó khi chia sẻ với phóng viên Thảo Nguyên về những định hướng phát triển của ngành du lịch Bến Tre trong thời gian tới.

Xin ông cho biết tiềm năng của du lịch Bến Tre?

Trong năm 2010, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Bến Tre là 540.000 lượt - tăng 13%, trong đó khách quốc tế 230.000 lượt tăng 15,03%, khách nội địa 310.000 lượt - tăng 11,47%. Bến Tre sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng tỉnh vẫn chưa khai thác hết những giá trị du lịch, nên đây là mảnh đất màu mỡ chờ đón các nhà đầu tư chung tay xây dựng du lịch Bến Tre ngày một phát triển hơn nữa.

Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có bờ biển dài 65km, nhiều cù lao, cồn cát, sông rạch và rừng ngập mặn. Bến Tre có cả vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn chứa đựng các loài động, thực vật đặc thù của vùng sinh thái. Bến Tre được bao bởi bốn nhánh của Sông Cửu Long và hệ thống kênh rạch đan xen nên khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, có vườn cây ăn trái với diện tích trên 36.600 ha cùng với trên 44.000 ha dừa bốn mùa xanh tươi trĩu quả. Trong quá trình khai hoang, khẩn đất, người Bến Tre đã sáng tạo nên những công trình văn hóa nghệ thuật, 13 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với những làn điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ như hát ru, hò trên sông, hò trên cạn, lý, hát sắc bùa, cải lương, hát bộ…Bến Tre còn là quê hương, nơi yên nghỉ của các danh nhân như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Ngọc Thăng, Nguyễn Đình Chiểu…Với những tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa phong phú, trong những năm tới Bến Tre sẽ tập trung phát triển du lịch sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái kết hợp tham quan các di tích văn hóa, lịch sử và giới thiệu các loại hình văn hóa phi vật thể với du khách.

Để đưa du lịch phát triển thì cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho du khách đóng vai trò rất quan trọng, ông đánh giá như thế nào về cơ sở hạ tầng của du lịch Bến Tre?

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư phát triển nhanh, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng làm đổi mới diện mạo tỉnh nhà. Đặc biệt là sự kiện hoàn thành cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, tuyến QL 60 được nâng cấp… đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Bến Tre phát triển. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng xã hội ở các vùng nông thôn có tài nguyên du lịch còn nhiều, đặc biệt là hệ thống cầu trên các tuyến quốc lộ không đủ tải trọng phục vụ yêu cầu vận chuyển khách du lịch. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch các năm qua chủ yếu là các điểm du lịch cộng đồng, cơ sở lưu trú qui mô nhỏ.

Sau khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông được hoàn thành, hệ thống hạ tầng xã hội được đầu tư nâng cấp, các nhà đầu tư đã đến đề nghị được đầu tư các dự án có qui mô khá và hiện đại như điểm Forever Green Resort, điểm nghỉ dưỡng Mekomh Pearl, khu phức hợp nghỉ dưỡng An Phú, điểm nghỉ dưỡng cồn Nổi Thanh Tân, điểm du lịch Thừa Đức, khu du lịch Thới Thuận, nhiều khách sạn tiêu chuẩn 3, 4 sao được đầu tư…Trong vài năm tới, với vị trí thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú đa dạng, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, các dự án cơ sở kỹ thuật du lịch với quy mô khá và hiện đại đưa vào hoạt động, với những tiềm năng và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại thì du lịch Bến Tre sẽ là một trong những địa danh hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch của Bến Tre đang thiếu nhất là nhân lực có trình độ ngoại ngữ, du lịch Bến Tre sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Bến Tre có nguồn lao động rất dồi dào, nhưng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, hiện nay tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp có chính sách thu hút nguồn lao động được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng, trung học ngoài tỉnh, giải quyết “cơn khát” nguồn nhân lực cho du lịch nói riêng và các lĩnh vực khác trong tỉnh nói chung.

Phía ngành du lịch đã và đang phối hợp với các trường trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ, mời các trường nghiệp vụ du lịch đến các doanh nghiệp đào tạo lại đội ngũ đang làm việc tại doanh nghiệp. Tỉnh cũng đang trình bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2015 nhờ sự hỗ trợ của Bộ và của Tổng cục du lịch. Phấn đấu đến năm 2015 có 80% lực lượng lao động trong ngành du lịch qua đào tạo, đây sẽ là một luồng gió mới để tạo đà cho du lịch Bến Tre cất cánh.

Bến Tre có định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Tỉnh có định hướng chủ động khai thác lợi về văn hóa, du lịch để tạo đà cho ngành này phát triển ở Bến Tre, qua đó đóng góp xây dựng cho quê hương “Đồng khởi” ngày một giàu mạnh. Phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân trên 20%/ năm. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng các nguồn lực của các thành phần kinh tế và trong dân để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng đặc trưng của từng vùng, để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tỉnh cũng đầu tư tập trung phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch, tăng xuất khẩu tại chỗ…Bên cạnh đó, phấn đấu xây dựng 2 khu du lịch nghỉ dưỡng đặc thù của tỉnh, xây dựng một số điểm du lịch ở các xã ven sông huyện Châu Thành, các khu du lịch, điểm du lịch ở các xã Mỹ Thạnh An, Hưng Phong, du lịch sinh thái huyện Chợ Lách, huyện Ba Tri, Bình Đại, Làng du kích, công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển….tạo nên một Bến Tre với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đa dạng trong lòng du khách.

Thảo Nguyên