BẾN TRE

Kêu gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

15:49:59 | 24/3/2011

Không chỉ có chính sách đầu tư thông thoáng, mà cơ sở hạ tầng của Bến Tre đã được cải thiện đáng kể; nguồn nhân lực và sự tận tâm của chính quyền tỉnh cũng là những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá cao. Xung quanh chủ đề này, phóng viên Phương Linh đã có cuộc trao đổi với ông Cao Minh Đức – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre.

Xin ông cho biết kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Bến Tre trong năm 2010?

Trong năm 2010, sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp 94 đoàn đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Các đoàn đầu tư đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Ý, Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ, chủ yếu tìm hiểu đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến sản phẩm từ dừa, may mặc dệt sợi, hoa kiểng, cơ khí, sản xuất than hoạt tính, chế biến thủy sản, thực phẩm, vui chơi, giải trí, điện gió… Kết quả, tỉnh Bến Tre đã thu hút thêm 8 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư là 36,65 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 31 dự án FDI, với tổng số vốn là 192,3 triệu USD, chủ yếu 02 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp.

Nhìn chung, xu hướng thu hút đầu tư trong năm 2010 là tích cực, các nhà đầu tư đang xem và chọn Bến Tre là điểm đầu tư có khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực. Điểm thuận lợi không phải chỉ là chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh mà khoảng cách, hạ tầng của Bến Tre được cải thiện đáng kể, nguồn nhân lực và sự tận tâm của chính quyền tỉnh Bến Tre đang là những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Để đạt được những kết quả trên, Bến Tre đã áp dụng những chính sách đầu tư như thế nào, thưa ông?

Bến Tre có những ưu đãi cho các nhà đầu tư như được thuê lại đất của các khu công nghiệp, thuê đất đối với những dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa, các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí, chính sách thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách về hỗ trợ lao động, dạy nghề, giới thiệu việc làm, quy định về mức thu xử lý nước thải và sử dụng các tiện ích hạ tầng trong các khu công nghiệp và xử lý nước thải ngoài khu công nghiệp.

Vào tháng 9/2011, Sở Kế hoạch Đầu tư và Ban quản lý khu công nghiệp cũng tham mưu cho tỉnh về chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như chính sách ưu đãi về thuế, đất xây dựng khu dân cư, tái định cư, chính sách hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chính sách về hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp và các ưu đãi khác.

Khi đến với Bến Tre, các nhà đầu tư thường chọn những ngành nào để đầu tư và phát triển, thưa ông?

Trong năm qua, các nhà đầu tư đến Bến Tre chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa, thủy sản và may mặc. Hiện nay, tỉnh Bến Tre tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Giao Long (giai đoạn 2), An Hiệp (mở rộng), Thành Thới; hai khu công nghiệp này gần như đã lấp đầy - Thành Thới, Thanh Tân. Và theo chủ trương chung của tỉnh, Bến Tre ưu tiên chọn những ngành nghề, lĩnh vực đầu tư không gây ô nhiễm môi trường.

Ông có cho rằng thời gian tới sẽ có nhiều yếu tố khó khăn gây ảnh hướng đến tình hình thu hút đầu tư vào Bến Tre?

Trong thời gian tới, Bến Tre có thể gặp không ít khó khăn sẽ làm chậm hoặc mất đi cơ hội tiếp nhận một số dự án lớn như diện tích đất công nghiệp có sẵn cho thuê hiện nay đã trở nên hiếm khi 2 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp đã lấp đầy trên 80% diện tích cho thuê, nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đang chờ đất. Việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2011 – 2020 được triển khai chậm và chắc chắn ít nhất hai năm nữa sẽ khó có thêm được khu công nghiệp nào hoàn chỉnh về hạ tầng để sẵn sàng cho thuê. Một bất lợi nữa là các chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá cao làm chùn bước các nhà đầu tư trong khi tỉnh chưa đủ khả năng tạo mặt bằng sẵn, nhất là cho các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa, nhà ở cho công nhân….và chưa có một chính sách thống nhất hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Khó khăn thứ 2 là nguồn nhân lực của tỉnh đang bắt đầu khan hiếm do nguồn lao động đã chuyển dịch ra ngoài tỉnh diễn ra khá mạnh trong thời gian qua. Nhiều dự án chỉ cần đến lao động phổ thông mà vẫn khó tuyển dụng, chưa kể đến những lao động có trình độ thì càng ít. Nhiều cơ sở dạy nghề chưa nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu dạy nghề và cung cấp lao động cho doanh nghiệp.

Khó khăn về cung cấp điện nước cũng còn khó khăn với những dự án ngoài khu vực thành phố Bến Tre và các khu công nghiệp Châu Thành. Các thủ tục giải quyết đầu tư, phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ngành nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể cho nhà đầu tư trong các thủ tục xin cấp phép và triển khai giấy phép còn khá nặng nề và nhiều nơi xử lý chưa tốt.

Để khắc phục khó khăn trên, Bến Tre có những giải pháp như thế nào?

Để tận dụng lợi thế về vị trí và các cơ hội tạo ra cho tỉnh Bến Tre hiện nay, góp phần tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Bến Tre phải quyết liệt đối với việc đầu tư hạ tầng nói chung và đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch. Khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai nhanh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, có khu công nghiệp thì mới có thể thu hút các dự án đầu tư thứ cấp khác. Thông qua các nguồn lực hiện có, tỉnh sẽ có đào tạo nguồn nhân lực dài hạn để tiếp nhận các dự án đòi hỏi người lao động có trình độ và tay nghề cao hơn và việc này đòi hỏi tỉnh phải chú ý đến vấn đề nhà ở cho công nhân, đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư tối đa 30% chi phí giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, Sở đang phối hợp với các ban, ngành, huyện, thành phố xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 trình Ủy ban nhân dân phê duyệt, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư.

Phương Linh