BẾN TRE

Bến Tre: Tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển

15:57:27 | 24/3/2011

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Nguyễn Văn Hiếu

Năm vừa qua, Bến Tre đã chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi đan xen, tuy nhiên với sự cố gắng nỗ lực của toàn tỉnh, Bến Tre đã đạt được những thành tựu đáng kể. Phóng viên Hà Linh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre về những thành công và hướng đi trong năm 2011, cũng như những cơ hội đầu tư tại đây.

Xin ông cho biết những thành tựu mà Bến Tre đạt được trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư năm vừa qua?

Trong năm 2010, kinh tế Bến Tre chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi đan xen như nước mặn xâm nhập sâu, nắng nóng kéo dài, thiếu điện và nước ngọt cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân,… Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực cao của toàn tỉnh, Bến Tre đã có những thành tích đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 10,19%; vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GDP bình quân đầu người ước đạt 16,55 triệu đồng/người/năm, tăng 1,95 triệu đồng/người so với năm 2009.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư mới và từng bước được hoàn thiện. Trong năm 2010 một số công trình hạ tầng trọng điểm được hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Hàm Luông, dự án nước ngọt Ba Lai qua 4 xã tại huyện Bình Đại…Đặc biệt, năm 2010 tỉnh đã khởi công nhiều công trình giao thông có sức lan toả và tác động mạnh phát triển kinh tế - xã hội như: công trình đường cồn Rừng, tuyến tránh Giồng Trôm, đường Nguyễn Thị Định - Cảng Giao Long,... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 9.340 tỷ đồng, tăng 10,22% so với năm 2009, đã tạo ra tiềm lực cho bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội năm 2010 và các năm tiếp theo.

Nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Bến Tre. Trong những năm qua ngành này tiếp tục phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, với qui mô lớn ngày càng nhiều, nhất là nuôi heo. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển khá, với tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.710 tỷ đồng, tăng 23,2% so năm 2009. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng nhanh, ước đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng có nhiều tiến bộ đáng kể; vấn đề nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân được các cấp, các ngành thường xuyên chăm lo và luôn đặc biệt quan tâm. Trong năm 2010, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động, trong đó xuất khẩu 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, cơ bản giảm được phiền hà và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động của các cơ quan công quyền.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, thị trường xuất khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu đạt 230 triệu USD, tăng 23% so năm 2009. Hoạt động du lịch chuyển biến rõ nét, loại hình phục vụ đa dạng hơn, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, sạch đẹp, văn minh. Sản phẩm du lịch biển và sinh thái là thế mạnh địa phương đang được xây dựng và quảng bá. Trong năm 2010, tỉnh đã thu hút được 540.000 lượt khách đến tham quan và tìm hiểu lịch sử, văn hoá tỉnh nhà.

Đâu là tiềm năng và thế mạnh của Bến Tre, thưa ông?

Bến Tre là tỉnh được hợp thành bởi 3 dãy cù lao, địa hình bằng phẳng, được phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung theo hướng hàng hoá, với thế mạnh chủ yếu là kinh tế vườn và kinh tế biển. Trong đó, đặc biệt với nhiều loại trái cây đặc sản như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, xoài,… Bến Tre còn nổi tiếng với các làng nghề sản xuất giống, hoa kiểng, với nhiều chủng loại cây cảnh, hoa kiểng đặc sắc. Bến Tre được xem là đảo quốc của xứ dừa và cây dừa cũng là cây công nghiệp chủ yếu của tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến trong tỉnh.

Tỉnh cũng sở hữu đường bờ biển dài trên 65km, là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đa dạng, bao gồm cả nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, xây dựng cảng biển, phát triển du lịch, dịch vụ vận tải biển,… Tuy nhiên, trong những năm qua, tiềm năng về biển chưa được khai thác đúng mức, chưa phát huy được những thế mạnh vốn có của tỉnh. Trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, phát triển mạnh hai mũi nhọn nền kinh tế là kinh tế vườn và kinh tế biển gắn với phát triển mạnh công nghiệp chế biến, xem đây là thế mạnh tạo bước đột phá trong chuyển dịch và phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Ngoài ra, Bến Tre cũng có tiềm năng lớn về nguồn lao động, với hơn 57% dân số trong độ tuổi lao động, sức lao động trẻ, có tính cần cù, sáng tạo và chăm chỉ lao động cũng được xem là lợi thế khá mạnh đẩy nhanh phát triển kinh tế.

Tỉnh Bến Tre có những chính sách ưu đãi như thế nào để thu hút các nhà đầu tư?

Nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bến Tre, UBND tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chính sách ưu đãi đầu tư được tập trung vào hai nội dung chính được thay đổi, đó là miễn, giảm tiền thuê lại đất theo hạn định và ưu đãi đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Riêng những nhà đầu tư thực hiện công tác xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được tỉnh hỗ trợ lập quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đặc thù cho từng Khu Công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh quan tâm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cơ chế phối hợp hiệu quả và tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư sẽ tạo động lực quan trọng để thu hút nguồn đầu tư mới vào tỉnh.

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Bến Tre là gì và tỉnh đã có kế hoạch như thế nào để thực hiện mục tiêu đó, thưa ông?

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011-2015 đã tập trung trí tuệ, thảo luận sôi nổi và đề ra mục tiêu mang tính định hướng chung cho cả giai đoạn 2011-2015, đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước; động viên mọi nguồn lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với chăm lo phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để thực hiện đạt mục tiêu chung vừa nêu, tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu thực hiện trong 5 năm tới là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2010-2015) là 13%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2015: Khu vực I: 30,3%; Khu vực II: 27,4%; Khu vực III: 42,3%. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 36 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1.900 triệu USD, tăng bình quân 20%/năm; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt trên 370 triệu USD, tăng bình quân 15%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 70.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 12,5%/năm; tổng chi ngân sách địa phương 5 năm trên 16.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7,24%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2015, giải quyết việc làm 114.500 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/ năm, hoàn thành cơ bản các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới,

Tỉnh xác định công nghiệp là khâu đột phá, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến hàng nông thủy sản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các ngành hàng có lợi thế về nguồn nguyên liệu, có lợi thế khả năng cạnh tranh cao; định hướng phát triển thương mại-dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình liên thông với vùng kinh tế trọng điểm, tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,… Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.

Hà Linh

Sự kiện sắp tới

Triển lãm Quốc tế Thể thao và Sức khỏe Đài Bắc 2025

26 - 29/3/2025

Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc