BẾN TRE

Hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn

16:41:13 | 10/6/2013

Mặc dù điều kiện, vị trí địa lý tỉnh Bến Tre còn nhiều khó khăn, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nhưng với sự quyết tâm của tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn ngày càng đồng bộ, thông suốt.

Hiện nay toàn bộ 100% xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, hệ thống đường nhựa, đường bê tông xi măng đã về đến tận xóm ấp, các cầu khỉ dần được thay thế bằng cầu bê tông kiên cố. Toàn tỉnh có tổng số 4.923 km đường GTNT, trong đó có 2.153 km đường xã và 2.771 km đường xóm, ấp.

Theo Sở Giao thông & Vận tải tỉnh Bến Tre, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, tỉnh tranh thủ mọi nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo lại các tuyến đường huyện trọng yếu, các đường liên xã, liên ấp để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển, giao lưu hàng hóa và đi lại của người dân trên cơ sở huy động nội lực địa phương là chính; huy động đóng góp nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng GTNT. Năm 2012, tỉnh đã nhựa hóa và bê tông hóa 225,6 km và 12,6 km đường đá dăm, xây dựng mới 266 cây cầu bê tông cốt thép với 4.880 md, 1 cây cầu thép với 180 md; tổng kinh phí thực hiện khoảng 321 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 16,96 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2012, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường tỉnh Bến Tre và các chi hội trực thuộc đã vận động xây dựng, đưa vào sử dụng 1.321 cây cầu, 161 km đường bê tông và nhựa. Tổng kinh phí xây cầu, lộ là 180,8 tỷ đồng, trong đó các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ 139,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và đối ứng của địa phương trị giá 40,9 tỷ đồng.

Địa hình đặc trưng của Bến Tre là sông ngòi chằng chịt đã ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư, hệ thống GTNT tuy có bao trùm trên diện rộng nhưng đa số đường nhỏ, hẹp không đạt chuẩn. Trước đây mục tiêu xây dựng GTNT là cố gắng nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện, đường vào trung tâm các xã, xóm, ấp nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân đáp ứng tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, công cuộc xây dựng GTNT gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Chiến lược phát triển GTNT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre trên cơ sở vận động tất cả mọi nguồn lực; đồng thời phải đảm bảo an toàn giao thông theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 772/TB-VPCP ngày 11/5/2012. Coi xây dựng Nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT là sự nghiệp của toàn dân, đảm bảo công khai minh bạch với sự giám sát của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; huy động vốn theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

Ngoài ra Sở Giao thông & Vận tải tỉnh cũng sẽ phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát lại hiện trạng hệ thống GTNT, huy động các nguồn lực tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển GTNT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm hoàn thành tiêu chí về giao thông cho tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.

Hồng Hạnh