HÀ NAM

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

10:25:44 | 24/8/2020

Phát triển bền vững, phát huy hiệu quả tiềm năng vốn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh... đó là những định hướng phát triển mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đang nỗ lực thực hiện. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Huy – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nam. Duy Bình thực hiện.

Ông có thể chia sẻ những tiềm năng lợi thế cũng như một số kết quả nổi bật của ngành du lịch tỉnh Hà Nam trong thời gian qua?

Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế so sánh rất quan trọng để thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Đây là một trong những điều kiện tốt để du lịch Hà Nam phát triển.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam khá phong phú và tương đối đặc thù. Địa hình nhiều núi đá vôi kết hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều đã mang lại cho Hà Nam nhiều cảnh quan đặc sắc dạng Karst với những thắng cảnh nổi tiếng trong nước như: Hồ Tam Chúc, Hồ Ba Hang, Ngũ Động Sơn, Bát cảnh tiên... Bên cạnh đó, hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu… cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn.

Về tài nguyên du lịch nhân văn, Hà Nam được biết đến với nhiều giá trị khá nổi bật như: Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc... cùng với hệ thống lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, Lễ hội đền Lảnh Giang, Lễ hội chùa Tam Chúc... và các làng nghề đặc sắc như làng nghề trống Đọi Tam, dệt Nha Xá, gốm Quyết Thành, mây giang đan Ngọc Động, sừng mỹ nghệ Đô Hai... Hà Nam còn là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn hiện thực Nam Cao. Ẩm thực Hà Nam dân dã, mang đậm hồn cốt của vùng quê chiêm trũng như: gạo tám, bánh đúc, cá kho, bánh đa cá rô đồng… Những thế mạnh đó đã tạo ra cho Hà Nam những sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề - ẩm thực...

Trong thời gian qua, du lịch Hà Nam phát triển khá nhanh. Nhiều khu, điểm du lịch đã được quy hoạch, các dự án du lịch trọng điểm vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm. Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong là điểm đột phá để thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo, đồng thời mở ra hướng liên kết phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong vùng như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Cơ sở vật chất của ngành cũng không ngừng được xây dựng. Hiện nay, Hà Nam có 25 khách sạn (trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 3 sao và 19 khách sạn 1, 2 sao), 129 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch và hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.

Khách du lịch đến với Hà Nam cũng tăng mạnh qua từng năm, riêng năm 2019 đã có sự tăng trưởng đột biến với 2.895.600 lượt khách (đạt 186,8% kế hoạch năm và vượt 124,6% so cùng kỳ năm 2018); doanh thu du lịch, dịch vụ ước đạt 716 tỷ đồng (đạt 153,6% kế hoạch năm và vượt 141,9% so cùng kỳ năm 2018).

Với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo sự phát triển bền vững, du lịch Hà Nam cần phải làm gì trong thời gian tiếp theo?

Đối với tỉnh Hà Nam, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đều xác định, phát triển du lịch Hà Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới Hà Nam cần triển khai các giải pháp sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về năng lực và trách nhiệm bảo tồn, quảng bá sản phẩm du lịch của cộng đồng dân cư, qua đó đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các khu du lịch cộng đồng. Tuyên truyền, xây dựng hình ảnh Hà Nam là “điểm đến hấp dẫn” đối với du khách.

Triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc, tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối Khu du lịch với Quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình. Đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu tại các di tích, danh thắng được công nhận là di tích cấp quốc gia; tăng cường bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch.

Tiếp tục hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu; hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Hà Nam tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, Chùa Long Đọi Sơn, Đền Trần Thương, Từ đường Nguyễn Khuyến, quê hương Nam Cao… Xây dựng lộ trình liên kết hợp tác với các tỉnh lân cận và các trung tâm du lịch lớn trong nước để xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025. Hỗ trợ đầu tư các điểm tham quan du lịch làng nghề và các phòng trưng bày gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng Chiến lược marketing du lịch Hà Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội, website.

Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2025.

Trong thời gian qua, Hà Nam đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch như thế nào, thưa ông?

Hà Nam luôn quan tâm làm tốt công tác xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia làm kinh tế du lịch, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng khu, điểm du lịch, tour du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Để tạo cơ sở hành lang pháp lý để thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch; phối hợp quản lý việc thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy hoạch, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhà thầu triển khai dự án.

Chủ động rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh, trọng tâm là phân khu chức năng Khu du lịch Tam Chúc. Chủ động các phương án giải phóng mặt bằng để sẵn sàng quỹ đất sạch đáp ứng như cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng danh mục, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch về bảo tồn di sản văn hóa, quy hoạch các khu, điểm du lịch gắn với việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích như: Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao, du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;… Tích cực triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích nổi bật, tiêu biểu của tỉnh... Triển khai thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như: Hát dậm Quyển Sơn, Múa hát Lả Lê, Vật võ Liễu Ðôi, Hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng...; khôi phục và phát huy hiệu quả nhiều lễ hội vùng, lễ hội làng, các nghi thức tế lễ, các trò chơi dân gian, … Các di sản trên đang từng bước được khai thác, phát huy giá trị để phục vụ phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum