Trong những năm qua, với những chủ trương thu hút đầu tư đúng đắn, cùng phương châm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tối đa cho doanh nghiệp khi đến đầu tư, các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Nam đã và đang trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư. Với những nỗ lực trong việc tập trung nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để mời gọi đầu tư (như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng; cải cách, hiện đại hóa nền hành chính; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp…) nên kếtquả thu hútđầu tư của tỉnh Hà Nam những năm qua luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hà Nam thu hút được 58 dự án đầu tư (24 dự án FDI và 34 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 466,2 triệu USD và 16.775,1 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnhcó 1.011 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó 319 dự án FDI và 692 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký 4.217,4 triệu USD và 134.228,3 tỷ đồng.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Hà Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như là tỉnh cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nam có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hết sức thuận lợi, với lợi thế sẵn có là Quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 38, Quốc lộ 21 và tuyến đường sắt Bắc - Nam… tạo cho Hà Nam lợi thế là đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh Đông Bắc ra cảng biển Hải Phòng và sân bay Quốc tế Nội Bài, cửa khẩu phía Bắc.
Số người trong độ tuổi lao động chiếm 55% dân số, hàng năm có khoảng 13÷14,5 ngàn người đến tuổi lao động. Lực lượng lao động của Hà Nam trẻ, có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, trong đó: đa số là trình độ bậc trung học phổ thông. Lực lượng khoa học - kỹ thuật dồi dào với khoảng 12.000 người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học (chiếm 3% lực lượng lao động). Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 60%.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có các trường đại học, cao đẳng và nhiều cơ sở đào tạo nghề với nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau. Đặc biệt, Khu Đại học Nam Cao của Tỉnh với diện tích 754ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số trường đại học có thương hiệu đang và sẽ đào tạo, cung cấp phần lớn lao động có trình độ cao cho các doanh nghiệp.
Cùng với những tiềm năng, lợi thế, Hà Nam luôn coi hợp tác đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế như: Công nghiệp cơ khí, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị điện tử, các ngành sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Các KCN được đầu tư đồng bộ
Hiện tại, Tỉnh đã quy hoạch 08 KCN với diện tích là 2.553ha, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ và đi vào hoạt động. Các KCN đều đạt tỷ lệ lấp đầy trên 75%, riêng KCN Thái Hà đang đầu tư và có trên 25ha đất đủ cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho thuê.
KCN Đồng Văn I: Diện tích 221ha. Đã hoàn thành kết cấu hạ tầng, đã thu hút 94 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 868 triệu USD. Trong đó có 46 dự án FDI (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...), tổng vốn đầu tư là 669 triệu USD. Hiện KCN này đã được lấp đầy 100%. Đến năm 2022, mở rộng thêm khoảng 150ha về phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nâng tổng diện tích KCN Đồng Văn I lên 371ha.
KCN Đồng Văn II: Diện tích 320ha. Đã hoàn thành kết cấu hạ tầng, đã thu hút 95 dự án đầu tư với tổng vốn đăng là 1.398 triệu USD. Trong đó, có 74 dự án FDI (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...) tổng vốn đầu tư là 1.287 triệu USD.
KCN hỗ trợ Đồng Văn III: Diện tích 300ha, nằm liền kề với khu công nghiệp Đồng Văn I, II; cạnh đường cao tốc Bắc – Nam và cảng ICD. Đây là KCN hỗ trợ với các chính sách ưu đãi đặc biệt được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Đến nay, đã đầu tư xong hạ tầng 169ha phía Tây đường cao tốc và thu hút 43 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 665,8 triệu USD. Hiện nay, đang mở rộng thêm khoảng 223ha về phía Đông đường Cao tốc, nâng tổng diện tích lên 523ha.
Khu công nghiệp Đồng Văn IV: Diện tích 300ha. Đến nay, đã thu hút được 37 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 788 triệu USD. Trong đó có 25 dự án FDI (chủ yếu của Hàn Quốc, Đài Loan) vốn đầu tư là 635,6 triệu USD. Hiện có khoảng 50ha đất công nghiệp có thể cho thuê.
Khu công nghiệp Châu Sơn: Có diện tích 377ha. Đã thu hút 119 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 781 triệu USD. Trong đó, có 56 dự án FDI (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Úc...) vốn đầu tư là 358 triệu USD. Hiện có khoảng 28 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê.
Một góc KCN Châu Sơn
Khu công nghiệp Hòa Mạc:Có diện tích 203ha. Đã thu hút 33 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 257 triệu USD, trong đó có 26 dự án FDI có vốn đầu tư là 201 triệu USD.
Khu công nghiệp Thanh Liêm:Có diện tích 293ha. Đã thu hút 08 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký 311 triệu USD. Hiện nay, có khoảng 60ha đất sẵn sàng cho các doanh nghiệp vào đầu tư.
KCN Thái Hà: Có diện tích 200ha, nằm cạnh đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng, đã đầu tư cơ bản hạ tầng và sẵn sàng giao đất cho nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả. Có thể nói, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đang là một nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam.
Đổi mới định hướng thu hút đầu tư
Ngày 12/01/2016, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hànhQuyếtđịnhsố 48/QĐ-UBND v/v phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định rõ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường và thân thiện môi trường. Thị trường tập trung thu hút FDI là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước công nghiệp phát triển, trong đó chú trọng các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài các năm tiếp theo là: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 2,5 ÷ 3,5 tỷ USD (0,5 ÷ 0,7 tỷ USD/năm) và vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 2,0 ÷ 2,5 tỷ USD (0,4 ÷ 0,5 tỷ USD/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn với môi trường và hướng đến công nghệ cao chiếm khoảng 50% vào năm 2025.
Hiền Lê (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI