Mục tiêu của Đề án tổng thể chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 là: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, từng bước xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường,… Để có cái nhìn cụ thể hơn về quá trình CĐS đang diễn ra tại địa phương, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Lô Quang Tuyến - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Bắc Kạn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn và lãnh đạo Tập đoàn VNPT bấm nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bắc Kạn, tháng 3/2021
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong đầu tư phát triển công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng CĐS và tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 của tỉnh Bắc Kạn theo quy định của Bộ TTTT ban hành?
Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp bổ sung 17.854 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh điều hành năm 2021 cho Sở TTTT để thực hiện nhiệm vụ CĐS (tại Quyết định số 2733/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn). Trên cơ sở danh mục, nhiệm vụ CĐS và kinh phí đã được cấp, năm 2022, Sở TTTT đã phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai 19 nhiệm vụ CĐS sử dụng nguồn ngân sách tỉnh với kinh phí là 32.104 triệu đồng và 02 nhiệm vụ CĐS sử dụng nguồn ngân sách Trung ương với kinh phí là 2.000 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Chỉ số xếp hạng DTI của tỉnh Bắc Kạn tăng đáng kể so với năm 2020, đứng thứ 51 trên toàn quốc; đứng thứ 55 toàn quốc về chính quyền số; 39 toàn quốc về kinh tế số; đứng thứ 42 toàn quốc về xã hội số. Tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ TTHC phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 30%.
Mạng lưới viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, DN; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN); tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%.
Thời gian qua, ngành TTTT đã nỗ lực phấn đấu, tham mưu UBND ban hành nhiều chủ trương, chú trọng đầu tư phát triển CNTT, ứng dụng CĐS, trong đó có Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 về việc phê duyệt Đề án tổng thể CĐS tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 635/KH-UBND ngày 10/10/2022 nhằm phát động Phong trào thi đua “Bắc Kạn đẩy mạnh Chương trình CĐS giai đoạn 2022 - 2025”. Ông có thể cho biết thêm khái niệm cơ bản nhất của Đề án này?
Mục tiêu của Đề án là: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, từng bước xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các DN công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
CĐS tỉnh Bắc Kạn đặt ra các mục tiêu bao gồm: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân và DN; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, DN trong quá trình CĐS; hoạt động của các cơ quan nhà nước được vận hành tối ưu dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội như: Y tế, giáo dục, giao thông,...
Chuyển đổi từ CQĐT thành chính quyền số là sự chuyển đổi có tính căn bản: Từ DVCTT thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng hệ thống nền tảng; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận hướng dữ liệu; từ công nghệ Web thành công nghệ 4.0 như di động (Mobile), đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT); từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước, người dân, DN; từ cải cách TTHC thành thay đổi mô hình quản trị; từ đo lường số lượng DVCTT thành dịch vụ công số. Thách thức của CQĐT chính là liên thông, tích hợp thì thách thức của chính quyền số lại là quản lý sự thay đổi.
Ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông triển khai chuyển đổi số tại Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn
Theo ông, đâu là giá trị cốt lõi của CĐS?
Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, CĐS hiện đang là xu hướng tất yếu đối với các quốc gia, tổ chức, DN và người dân. Sự thay đổi về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của CĐS đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ kinh doanh.
Về giá trị của chính quyền số: Việc thay đổi hệ thống công nghệ đã làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước. Đặc biệt, đối với người dân, chính quyền số đem lại lợi ích cụ thể như: Nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.
Về giá trị của kinh tế số: Sự bùng nổ và phổ biến của internet và các công nghệ kỹ thuật số đã mang lại nhiều cơ hội cho giới trẻ để tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số, với nhiều cơ hội tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích. Đối với người dân, kinh tế số cho phép tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng. Với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, một đường cáp quang mỗi hộ gia đình có thể trở thành một DN và có thể tiếp cận cả thế giới.
Về giá trị của xã hội số: Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính quyền, kinh tế cho tới người dân.
Kết quả đạt được ban đầu của Đề án như thế nào, thưa ông?
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg và Quyết định 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện ứng dụng CNTT, triển khai các giải pháp CĐS trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, nhận thức về CĐS của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị được nâng lên rõ rệt; hạ tầng số được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu CĐS; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 55%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang đạt 77%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%.
Ngoài ra, nhiều DN đã ứng dụng CĐS trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%,... Năm 2021, chỉ số DTI tỉnh đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố, tăng 08 bậc so với năm 2020.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bích Hạnh (Vietnam Business Forum)