BẮC KẠN

Huyện Ba Bể: Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp

06:44:35 | 2/5/2023

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2021-2025, huyện Ba Bể có nhiều nỗ lực triển khai 02 chương trình trọng tâm về “phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch”, “ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch” và đạt được kết quả đáng khích lệ.


Lễ khai mạc Tuần du lịch - di sản văn hóa Ba Bể năm 2022

Tạo sức bật phát triển du lịch

Ba Bể được thiên nhiên ban tặng cảnh quan tươi đẹp, trong đó có Vườn Quốc gia Ba Bể với diện tích 23.340ha và hệ thống rừng nguyên sinh, nhiều loài thực, động vật phong phú. Trên địa bàn huyện có hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới (rộng 500ha) được Chính phủ công nhận là Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt với trên 20 điểm tham quan: Hua Mạ, hang Thẳm Phầy, thác Đầu Đẳng,... Ba Bể cũng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền sự phát triển 5 dân tộc anh em (Tày, Mông, Dao, Nùng và Kinh) cùng nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng như: Dân ca (hát then, sli, lượn, múa khèn); lễ hội (Lồng tồng, hội xuân,…), trò chơi dân gian (đua thuyền độc mộc, chọi bò, võ dân tộc, bắn cung,…). Từ tiềm năng này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XXII đã xác định phát triển du lịch là một trong 2 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện cũng ban hành Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, huyện đã đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; quy hoạch các khu, điểm du lịch đồng thời huy động nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình du lịch như: Đường điện thắp sáng đảo Bà Góa; điện thắp sáng, đèn Led trang trí trong động Hua Mạ; vận động người dân thay thế phao lưới bằng chai nhựa sang phao tre,…

Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, nhất là Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể triển khai các loại hình, sản phẩm du lịch mới: Hát then, đàn tính, hát sli, lượn…; khôi phục nghề truyền thống, sản phẩm văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng…, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù. Ba Bể còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, năm 2022 huyện đã tổ chức 2 sự kiện: Hội nghị xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch Ba Bể (tháng 6) và “Sắc thu Hồ Ba Bể” (tháng 11) thu hút quan tâm của nhiều du khách.


Lễ khai mạc ngày hội nông sản - OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022

Theo ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, thời gian gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đường kết nối đến Khu du lịch Ba Bể. Cụ thể vào tháng 11/2021, tuyến đường từ TP.Bắc Kạn - hồ Ba Bể dài 39km với tổng nguồn vốn hơn 2.300 tỷ đồng được khởi công, song song đó phương án kết nối tuyến đường sang tỉnh Tuyên Quang và 02 tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể cũng đã khởi động. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối vùng, thu hút nhiều du khách, góp phần đưa du lịch Ba Bể bứt phá mạnh mẽ.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Tuy chỉ chiếm 10% diện tích tự nhiên nhưng đất nông nghiệp của Ba Bể đều là các bồn địa, thung lũng khá màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Những năm qua, huyện đã tập trung đầu tư thâm canh các cây lúa, ngô, đậu tương, dong riềng, chè, hồng không hạt,… phát triển chăn nuôi đại gia súc và gia cầm; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng giá trị kinh tế nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XXII, Huyện ủy Ban Bể đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển nông - lâm nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu: Ưu tiên phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ gắn với chuỗi giá trị; xây dựng từ 1 - 2 làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống địa phương; phát triển các loại cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản có thế mạnh để trở thành điểm nhấn phục vụ các hoạt động tham quan trải nghiệm, thu hút khách du lịch.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện thực hiện quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung quy mô lớn như cây ăn quả, cây chè, vùng sản xuất lúa chất lượng cao: Hồng không hạt ở các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ; vùng chăn nuôi trâu, bò tại xã Phúc Lộc, Bành Trạch, Thượng Giáo, Cao Thượng, Nam Mẫu, Đồng Phúc; vùng chăn nuôi lợn tại các xã Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo; vùng nuôi thủy sản trên sông Năng, hồ Ba Bể và các xã Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, thị trấn Chợ Rã,...


Bí xanh thơm là đặc sản nổi tiếng của huyện Ba Bể, Bắc Kạn

Huyện cũng chỉ đạo phát triển các chuỗi liên kết; thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã; thực hiện tốt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; lựa chọn sản phẩm làng nghề tiêu biểu để xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Huyện còn quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế.

Giai đoạn 2021 - 2022, UBND huyện đã triển khai 9 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2022; ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích phù hợp sang trồng cây bí xanh thơm, đặc sản đang được thị trường ưa chuộng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Ba Bể đã, đang phát huy được tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, qua đó từng bước đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển.n

Bích Hạnh (Vietnam Business Forum)