Hiện nay, du lịch Bình Thuận dần định vị được thương hiệu. Từ chỗ hầu như không có gì, sau hơn 30 năm, đến nay Ngành đã có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét. Để thấy rõ hơn diện mạo ấn tượng này của Ngành, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, du lịch Bình thuận đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ ra sao, thưa ông?
Du khách thế giới và trong nước biết đến Bình Thuận với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành cùng với đó là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là tiềm năng to lớn để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Chương trình ký kết hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận – Ninh Thuận, giai đoạn 2023 - 2025
Nhìn chung, qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, các đoàn thể tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh đã có sự nỗ lực, quyết tâm đưa ngành du lịch phát triển toàn diện. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 06/NQ-TU được đẩy mạnh; công tác quản lý nhà nước về du lịch được thường xuyên quan tâm. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm. Khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 16,56%/năm.
Đặc biệt, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch Bình Thuận đã dần hồi phục có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt, các chỉ tiêu du lịch đã có sự tăng trưởng ổn định. Trên tinh thần đó, Bình Thuận tiếp tục triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông; chú trọng chất lượng dịch vụ, tận dụng cơ hội từ các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, các dự án du lịch tiếp tục được đầu tư mới. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Lễ Khai mạc và các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” là cơ hội lớn để du lịch địa phương trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước trong thời gian tới, góp phần thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giữ vững được hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận trên thị trường trong nước và quốc tế.
Song song với đó, vấn đề làm mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch thế mạnh được tỉnh chú trọng ra sao, góp phần giữ vững và phát triển thương hiệu điểm đến hàng đầu của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ?
Bên cạnh thế mạnh du lịch biển đảo đã đươc khẳng định, Bình Thuận còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, trải nghiệm ẩm thực…. Nhận thức được điều này, cùng quyết tâm khai thác triệt để lợi thế đang có, Bình Thuận đã dần hình thành được một số sản phẩm, điểm du lịch mới như: Bãi biển - công viên giải trí NovaWorld, công viên nước Wonderland, khu vui chơi giải trí mạo hiểm trong khu phức hợp Centara, du lịch nông nghiệp, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ… góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách. Các khu vực sản xuất rau, hoa, cây cảnh, trang trại thanh long, các cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến hải sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,… cũng được khuyến khích, hỗ trợ hoạt động.
Mũi Né là một trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận
Đặc biệt, Ngành đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với việc thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đã xây dựng các chương trình du lịch trực tuyến, nhất là các chương trình tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, giới thiệu cảnh quan thiên nhiên đẹp của Bình Thuận trên website Du lịch Bình Thuận, Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh, nền tảng mạng xã hội du lịch Bình Thuận. Hoàn thiện sàn thương mại du lịch Bình Thuận với các tính năng mua bán giao dịch các sản phẩm, dịch vụ du lịch trực tuyến và tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến. Triển khai thực hiện dự án quay, chụp VR 360 độ và xây dựng dữ liệu cho Bản đồ số VR 360 độ tại Bình Thuận. Phát triển các tính năng du lịch thực tế ảo để du khách có thể tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch trực tuyến một cách sinh động. Cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh dữ liệu số du lịch để tích hợp với hệ thống dữ liệu số du lịch của tỉnh và của ngành Du lịch Việt Nam. Lắp đặt bảng giới thiệu, quảng bá du lịch Bình Thuận (Bảng mã QR) tại 14 điểm du lịch có đông du khách tham quan…
Định hướng triển khai Nghị quyết 06 trong thời gian tới, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là gì?
Mặc dù được đón nhận, nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng nền du lịch Bình Thuận vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, để nâng tầm, định vị thương hiệu du lịch, thời gian qua Bình Thuận sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Công tác chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến du lịch cũng được chú trọng như xây dựng website, cổng thông tin du lịch thông minh. Tổ chức các sự kiện như các chương trình kích cầu, hội chợ triển lãm, hội chợ ẩm thực nhằm quảng bá và thu hút du khách. Một số lễ hội đặc trưng mang nét văn hóa của tỉnh được đầu tư như lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội Kate.. Các sự kiện quốc tế như: Hoa hậu trái đất, Giải lướt Ván buồm thế giới PWA Mũi Né-Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu, các hoạt động thể thao biển cũng thường xuyên được tổ chức, như: Giải lướt ván buồm, ván diều quốc tế, các giải bóng đá, bóng chuyền, thể thao trên cát, bóng ném bãi biển tầm quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm… là những hoạt động đặc trưng cho sản phẩm du lịch - thể thao biển, từng bước “định vị” thương hiệu du lịch, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch thể thao biển tầm cỡ quốc gia.
Trải qua chặng đường dài hơn 30 năm, cùng với sự đổi mới của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, đã khẳng định thế mạnh vượt trội khi là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính. Phía trước Ngành sẽ còn phải đi một “hành trình” dài và xa. Song, du lịch Bình Thuận sẽ luôn đặt trong tâm thế nâng cao khả năng cạnh tranh với các địa phương thế mạnh ven biển khác để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng hướng đến bảo vệ môi trường nhằm níu chân du khách.
Trân trọng cảm ơn ông!
Công Luận ( Vietnam Business Forum)