Tỉnh Phú Yên đang đổi mới toàn diện công tác xúc tiến nhằm thu hút dự án có chất lượng về quy mô, trình độ, phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ hiệu quả DN trên địa bàn. Đây là chia sẻ của ông Võ Đình Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư Phú Yên năm 2024, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận và điều chỉnh đầu tư 14 dự án với tổng vốn đăng ký 10.500 tỷ đồng; 06 biên bản ghi nhớ nghiên cứu với tổng vốn 128.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về các con số này và Phú Yên sẽ đồng hành với các DN, nhà đầu tư như thế nào để các dự án sớm được triển khai, đi vào hoạt động?
Với các dự án được trao quyết định/ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị lần này, chúng tôi đánh giá cao các nhà đầu tư và rất mong các dự án sớm triển khai đưa vào hoạt động. Đặc biệt, có một số dự án thuộc các ngành động lực, mang tính đột phá chiến lược phát triển của tỉnh trong tương lai như cảng biển, luyện kim, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Các dự án này nếu sớm được triển khai sẽ tạo “cú huých”, có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác, tạo nhiều việc làm, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng đến phát triển bền vững, từng bước đảm bảo tự cân đối được ngân sách nhà nước từ năm 2035; và tạo tính lan tỏa, cách nhìn mới của nhà đầu tư về môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tại tỉnh. Do vậy, để sớm hiện thực hóa các chủ trương, bản ghi nhớ trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương và xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai của từng dự án.
Tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng DN, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án; tạo các điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm triển khai đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao nhất. Các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh sẽ phối hợp hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư trong hoàn tất thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp mặt DN, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư và qua đó tham mưu xử lý tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dự Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
Để đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng, …); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistic, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ nào để thu hút được nguồn lực phát triển?
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định: Phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Theo đó, tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện hiệu quả bốn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như:
Một là, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả; từng bước tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện; nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước; phát triển các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số mới vào hoạt động của các cấp chính quyền, xây dựng đô thị thông minh.
Hai là, huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là về đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông với tuyến đường bộ ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; các nút giao thông kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến kết nối cảng biển;...
Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, năng động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tích cực, chủ động phối hợp, liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hình ảnh và quảng bá du lịch cả trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có của địa phương.
Ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024
Bên cạnh khơi thông dòng vốn đầu tư, Phú Yên cũng chú trọng chất lượng dự án, nhất là “xanh hóa” trong thu hút đầu tư. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Ngày nay, xu hướng phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu tất yếu đối với Việt Nam nói chung và với tỉnh Phú Yên nói riêng để đảm bảo các yêu cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là vấn đề Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng, đặc biệt là việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh đã xác định rõ quan điểm: “căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh để lựa chọn ưu tiên những ngành, lĩnh vực và đối tác phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xúc tiến và thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.”.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA,…) như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…; ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị, triển khai các dự án theo hướng đầu tư xanh gắn với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng bền vững.
Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, việc thu hút đầu tư cũng được thực hiện cẩn trọng hơn, không vì mục tiêu tăng thu ngân sách mà tiếp nhận những dự án có rủi ro với môi trường. Ưu tiên các nhà đầu tư đề xuất các dự án xanh, áp dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa phát thải ra môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư từ khi bắt đầu khởi công xây dựng dự án đến khi đưa vào vận hành, sẽ không cho phép đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu về môi trường.
Tập đoàn Hòa Phát đang hoàn thành các thủ tục để đầu tư 3 dự án tại KCN Hòa Tâm của Phú Yên, với tổng mức đầu tư 5 tỷ USD. Khu cảng Bãi Gốc đang được Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đầu tư
Những năm qua, Phú Yên đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho DN phát triển như thế nào, thưa ông?
Thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương về nâng cao hiệu quả DN nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, đồng hành cùng DN với phương châm “Sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”. Tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động như: Tổ chức Năm DN Phú Yên, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức Hội nghị đối thoại DN hằng năm, sinh hoạt “Cà phê doanh nhân” để lắng nghe, tiếp cận DN gần hơn,... Song song với đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, cắt giảm TTHC để tạo sự đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, ngành; thực hiện công tác thanh,kiểm tra trọng tâm, trọng điểm và không để trùng lắp, không quá 01 lần/năm và hạn chế việc hình sự hóa các hành vi vi phạm của DN.
Nhờ sự nỗ lực đó, số lượng DN trên địa bàn tỉnh hàng năm không ngừng tăng lên: Nếu như năm 2010 chỉ có 1.169 DN (1,2 DN /nghìn dân) thì đến năm 2023 đã có 3.600 DN (4 DN/ nghìn dân) hoạt động với cơ cấu ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú. Theo đó, đã xây dựng được một số sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế như dược phẩm, đường RE, thủy sản,… Đội ngũ doanh nhân cũng đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; nhiều doanh nhân trưởng thành, phát triển với trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo xây dựng và phát triển DN trong thời kỳ hội nhập.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phú Yên có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển |
Một góc tuyến đường đi bộ dọc bờ biển TP.Tuy Hòa |
Song Uyên (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI