Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh tra tỉnh Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ. Ông Nguyễn Công Danh - Chánh Thanh tra tỉnh Phú Yên cho biết.
Một vài đánh giá của ông về việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh Phú Yên trong năm 2024?
Trưóc hết, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác thanh tra của tỉnh Phú Yên năm 2024, trong đó, giao Thanh tra tỉnh thực hiện 08 cuộc thanh tra. Nội dung kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý và sử dụng tài chính công; đầu tư xây dựng cơ bản; việc chấp hành pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;… thực hiện thanh tra chuyên đề về trách nhiệm thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp,... Cho đến nay, việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, đồng thời đã giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất phát sinh do UBND tỉnh giao.
Thanh tra tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động thanh tra; thường xuyên nắm tình hình khiếu nại, tố cáo để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định. Tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, coi đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách, thường xuyên và lâu dài, hạn chế đơn thư vượt cấp.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh tiếp tục triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; triển khai xác minh tài sản, thu nhập và tham mưu UBND tỉnh triển khai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.
Năm 2024, Thanh tra tỉnh đã tham mưu, thực hiện những giải pháp gì nhằm góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn Phú Yên cởi mở, minh bạch hơn?
Thanh tra tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: Chỉ đạo và phối hợp cùng các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tránh chồng chéo, phiền hà cho đối tượng thanh tra; các cơ quan thanh tra đều có bước khảo sát trước khi tiến hành thanh tra và có đề cương yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin có liên quan nội dung thanh tra. Thông qua hoạt động thanh tra, hướng dẫn, giúp đỡ việc chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh theo quy định pháp luật.
Đoàn kiểm tra công tác CCHC của Thanh tra Chính phủ khảo sát việc giải quyết TTHC tại Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh
Qua việc phát hiện thiếu sót, sai sót của một số cơ quan, doanh nghiệp, chủ đầu tư,... Thanh tra tỉnh đã tham mưu ngăn chặn, xử lý và khắc phục hậu quả, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã phát hiện sai sót của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó đã kiến nghị xử lý chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Cụ thể như: Việc khảo sát còn thiếu sót; đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán chưa phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công, tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá - định mức,… Đây là những sai sót làm lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước và giảm hiệu quả của dự án. Từng cuộc thanh tra đều có kết luận sai phạm và kiến nghị xử lý cụ thể, đúng quy định.
Tuy vậy, việc thực hiện kết luận thanh tra còn khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu lực, hiệu quả kết luận thanh tra chưa cao. Các chế tài trong hoạt động thanh tra chưa đủ mạnh, chỉ dừng lại ở báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét; chưa có chế tài đối với tổ chức, cá nhân không hoặc chậm thực hiện kết luận thanh tra; biện pháp cưỡng chế thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa rõ ràng,...
Năm 2023, Thanh tra tỉnh và thanh tra các ngành, địa phương Phú Yên đã thực hiện 92 cuộc thanh tra hành chính, gồm 53 cuộc theo kế hoạch và 39 cuộc đột xuất, chuyên đề tại 137 cơ quan, đơn vị, địa phương, đã ban hành kết luận 62 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm 5,9 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 4,7 tỷ đồng và kiến nghị xử lý 62 tổ chức, 123 cá nhân có liên quan đến sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ. Các kết luận thanh tra đều đúng quy định, không có khiếu nại, khiếu kiện và được thực hiện nghiêm, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước. |
Trong năm 2023, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo (Công văn số 490-CV/TU, ngày 8/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 3349/UBND-ĐTXD, ngày 10/7/2023 của UBND tỉnh), trong đó chỉ rõ: “Đối với trường hợp để kéo dài việc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền sai phạm, bị thất thoát mà không có lý do chính đáng thì chuyển hồ sơ cho Ủy ban kiểm tra, cơ quan điều tra xử lý theo quy định theo tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thi hành án và các quy định của pháp luật về phát hiện, xử lý tham nhũng; kiến nghị xém xét, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu đồng thời điều chuyển công tác đối với những cá nhân chậm triển khai thực hiện khắc phục các khuyết điểm, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra cho phù hợp”. Đây được xem là các biện pháp tháo gỡ “nút thắt”, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thời gian tới.
Ông đánh giá thế nào về quá trình cải thiện Chỉ số Chi phí không chính thức của tỉnh và Chỉ số CCHC của Thanh tra tỉnh những năm qua?
Chỉ số Chi phí không chính thức của tỉnh những năm qua có sự thay đổi, nhìn chung từ năm 2020 đến nay đã tăng nhiều với số điểm đạt xấp xỉ hoặc trên 7/10 điểm (trước đó xấp xỉ 5 và 6/10 điểm).
Để tạo chuyển biến này, Thanh tra tỉnh đã tăng cường phòng chống tham nhũng và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện; triển khai các cuộc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, trong xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý chồng chéo kế hoạch thanh tra hằng năm.
Song song đó, xác định đẩy mạnh CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, Thanh tra tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Rà soát, bổ sung nội dung còn thiếu sót trong kế hoạch CCHC, đảm bảo sát với thực tế và tổ chức thực hiện 100% kế hoạch đề ra; đồng thời căn cứ các quy định xác định chất lượng hoạt động các cơ quan cấp tỉnh gắn với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu để thực hiện có hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện các quy trình ISO 9001:2015; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động; theo dõi, quán triệt công chức, người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định trong quá trình thực thi công vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI